[Radio Hiểu con – Yêu con] Số 22: Cai sữa sớm hay muộn – Từ góc nhìn toàn diện với tâm lý của trẻ

Xin chào các bạn, đây là Radio Hiểu con – Yêu con của chuyên trang Embehanhphuc.vn – một tổ chức có
sứ mệnh thúc đẩy nhận thức của cha mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng và công chúng về trẻ thơ và năng lực
tiềm tàng của trẻ trong 6 năm đầu đời. Radio Hiểu con – Yêu con là một kênh Radio trả lời các câu hỏi
thực tế phát sinh trong những tình huống khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thông qua
việc phân tích tình huống và đi theo kim chỉ nam ‘dõi theo trẻ’ chúng tôi giúp phụ huynh thấu hiểu tâm
lý sau các hành vi, hoạt động của con trẻ và từ đó yêu con theo cách tôn trọng và nhân văn hơn. Để mái
nhà và cha mẹ sẽ luôn là tổ ấm của con trong suốt cuộc đời.
Embehanhphuc nhận được một câu hỏi từ chị Khánh Hương từ tp Hồ Chí Minh: ‘Xin chào. Mình có 1 bé
2 tuổi. Mình cho bé bú mẹ trực tiếp từ lúc sinh bé đến giờ. Tuy nhiên dạo gần đây, mình cảm thấy dường
như bé không còn bú vì nhu cầu ăn nữa mà có vẻ như bé đòi bú vì bé muốn mẹ ôm, ẵm. Đôi khi bé cũng
mè nheo đòi bú rồi lại chỉ bú một chút lại thôi. Đến bữa ăn thì bé ăn rất ít, rất kén ăn. Mình định cho bé
bú càng lâu càng tốt và để bé tự cai sữa. Nhưng gần đây bé có các biểu hiện như vậy khiến mình cũng
rất đắn đo không biết đó có phải là lựa chọn tốt nhất hay không.’

Chào bạn, xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây là một câu hỏi chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm
của các ba mẹ đang có trẻ trong nhóm tuổi 0-3, độ tuổi mà trẻ còn bị phụ thuộc rất nhiều vào người lớn
trong các nhu cầu thể chất như ăn, ngủ, tắm rửa, vệ sinh. Để trả lời được câu hỏi này trước hết chúng ta
sẽ điểm qua một số lời khuyên, khuyến cáo từ các nguồn khác nhau về thời điểm phù hợp để cai sữa cho
bé. Thông tin phổ biến nhất mà chúng ta biết đến là thông tin đến từ WHO. Tổ chức y tế thế giới khuyên
các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và sau đó tiếp tục cho con bú cùng với bổ sung
thực phẩm thích hợp cho đến 2 tuổi. Còn theo phong tục ngày xưa của ông bà ta thì độ tuổi cai sữa có
thể sớm hơn thậm chí trước 1 tuổi, và lý do các ông bà đưa ra chủ yếu là vì sữa mẹ đã hết chất. Gần đây
với sự có mặt của nhiều nguồn thông tin đầy đủ hơn, có cơ sở khoa học về sữa mẹ và cho con bú, chúng
ta sẽ thấy nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu về sữa mẹ sẽ khuyên người mẹ cho con bú càng lâu càng tốt
để bé hưởng được trọn vẹn các lợi ích cho thể chất của bé từ nguồn thức ăn hoàn hảo này. Những
nguồn thông tin này cũng thường khuyến khích mẹ để bé bú đến bao lâu bé muốn và để bé tự quyết
định thời điểm cai sữa của mình. Và trong những trường hợp này sẽ có những bé bú mẹ đến 4, 5 tuổi
thậm chí 7 tuổi rồi mới tự cai sữa.
Vậy đâu mới là thời điểm phù hợp nhất để chúng ta cai sữa cho trẻ? 1 tuổi, 2 tuổi hay 4, 5 tuổi?

Để có thể đưa ra được quyết định, chúng ta cần tìm một góc nhìn toàn diện và hữu cơ cho vấn đề. Bởi vì
mặc dù việc bú mẹ và cai sữa có vẻ là một chủ đề liên quan đến thể chất, thể lý của trẻ, nhưng chúng ta
đang làm việc với trẻ của con người, mà con người là loài động vật có sự phát triển tâm lý phức tạp
nhất, sự phát triển của con người được đặc trưng bởi sự phát triển của phần tâm lý. Chính vì thế khi
chúng ta đưa ra bất kỳ một quyết định gì với trẻ, chúng ta không chỉ nhìn nhận từ góc nhìn với lợi ích
cho thể chất, mà chúng ta còn cân nhắc đến lợi ích cho tâm lý của trẻ. Chúng tôi gọi đây là cách tiếp cận
toàn diện với sự phát triển của trẻ trong đó nhìn nhận mọi khía cạnh của sự phát triển này từ thể chất,
đến cảm xúc, sự độc lập, đến sự thích nghi của trẻ với đời sống.
Trong giai đoạn 0-3, sự phát triển của trẻ được chia thành các phân kỳ nhỏ hơn. Với mỗi phân kỳ nhỏ,
nhu cầu phát triển của trẻ sẽ có những đặc trưng khác biệt chính vì thế sự hỗ trợ của cha mẹ/thầy cô
cũng cần có những trọng tâm khác nhau tương ứng. Trẻ từ 0-3 tháng được gọi là trẻ sơ sinh và trong giai
đoạn vài tháng đầu đời ngắn ngủi này, trọng tâm của sự hỗ trợ của người lớn chính là hỗ trợ để trẻ gắn
kết với mẹ và nhờ mối gắn kết đồng điệu đầu đời này chúng ta giúp trẻ chuyển tiếp sang môi trường
mới – tức là mái ấm, gia đình của trẻ một cách mịn màng.
Trẻ từ 3 tháng -1 tuổi rưỡi được gọi là trẻ nhũ nhi. Đặc trưng của giai đoạn này là trẻ đang được mẹ cho
bú, đó là lý do của ta gọi trẻ là Nhũ nhi. Trong giai đoạn trẻ nhũ nhi, biểu hiện ra về thể chất là trẻ còn
cần mẹ cho bú, còn phụ thuộc vào nguồn sữa mẹ. Đồng thời trẻ còn chưa bước đi độc lập, và vì thế trẻ
còn phụ thuộc nhiều vào người mẹ nhưng song song với đó trẻ đang trong tiến trình phân tách khỏi mẹ
để trở thành một con người – một cái tôi độc lập. Trong suốt giai đoạn này trẻ dần đạt được nhiều
thành tựu trong sự phát triển và những mốc phát triển này tạo điều kiện để trẻ dần dần tiến tới sự độc
lập ra khỏi mẹ. Đến cuối phân kỳ này nếu được hỗ trợ tốt từ môi trường, trẻ sẽ bắt đầu bước đi, trẻ bắt
đầu nói và trẻ đã hoàn thành giai đoạn ăn dặm – tập ăn các món ăn của gia đình và nhờ đó trẻ đạt được
sự độc lập đáng kể ra khỏi mẹ.
Những thành tựu này là nền tảng cho trẻ bước sang giai đoạn 1,5 – 3 tuổi giai đoạn thường được gọi là
ấu nhi – giai đoạn mà bé nhà bạn đang ở trong đó. Với phân kỳ ấu nhi này, trẻ hoàn toàn độc lập về thể
chất khỏi người mẹ, chính vì thế trẻ trải nghiệm trẻ là một cá thể riêng biệt, có ý kiến, có sở thích, có
quyền quyết định cơ bản với cuộc sống của mình. Trẻ trải qua một cuộc khủng hoảng phát triển rất quan
trọng đó là khủng hoảng tự khẳng định. Chính vì đặc trưng của giai đoạn Ấu nhi này là sự ra đời của
nhân cách của trẻ, cái tôi riêng biệt của trẻ thế nên trọng tâm của sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô không
nên tập trung vào những chăm sóc thể chất như ngày trước nữa mà cần được chuyển trọng tâm sang
việc hỗ trợ cho sự độc lập thể chất hoàn toàn khỏi người mẹ để tạo thuận lợi cho sự độc lập lành mạnh

trong tâm lý của trẻ. Nếu trẻ trong giai đoạn này dành được độc lập cơ bản trong ăn uống, trong ngủ
nghỉ, trong việc đi vệ sinh … chúng ta sẽ thấy đi kèm theo đó là trạng thái tâm lý tích cực, lành mạnh
biểu hiện ra ngoài.
Từ cách tiếp cận toàn diện này, embehanhphuc xin gợi ý thời điểm lý tưởng mà chúng ta nên cai sữa cho
bé là nằm trong khoảng thời gian từ 1 – 1,5 tuổi tùy tình hình mỗi bé. Tức là việc cai sữa sẽ được thực
hiện vào cuối giai đoạn Nhũ nhi hoặc đầu giai đoạn Ấu nhi. Thời điểm cụ thể cho từng bé cần được
người mẹ đưa ra quyết định dựa trên sức khỏe và sự sẵn sàng tâm lý của mỗi bé. Để chuẩn bị cho mốc
cai sữa, trẻ cần có một số sự chuẩn bị trong đó sự chuẩn bị quan trọng nhất đó là ăn dặm.
Ăn dặm cần được hiểu đúng đó là việc giới thiệu cho trẻ cách ăn các thức ăn bên ngoài hiện diện trong
văn hóa của trẻ và giới thiệu đến trẻ các cách ăn uống của gia đình. Trẻ cần được hỗ trợ ăn dặm đúng
cách thì trẻ sẽ chuyển tiếp sang cai sữa một cách mịn màng, thuận lợi. Ăn dặm đúng cách có nghĩa là
việc ăn dặm cần được thực hiện để hỗ trợ sự thích nghi của trẻ với môi trường mà trẻ đang sống. Dặm
có nghĩa là bước đệm, ăn dặm có nghĩa là bước đệm cho việc ăn độc lập hoàn toàn các đồ ăn trong gia
đình. Việc ăn dặm không phải chỉ cung cấp thức ăn cho thể chất của trẻ mà còn cung cấp cả dưỡng chất
cho tâm lý của trẻ. Chúng ta không nên nấu cho bé những món ăn theo khẩu vị xa lạ như là các món ăn
châu Âu, Hàn Quốc, hay Nga, Mỹ mà cần giới thiệu đến trẻ những khẩu vị thân thuộc của gia đình và của
văn hóa Việt Nam. Những mùi vị đầu đời và những cảm xúc đi kèm với việc ăn dặm sẽ quyết định khẩu vị
ưa thích của trẻ và những thái độ trẻ có với việc ăn uống. Việc nấu cho trẻ ăn các món mà gia đình
thường ăn cũng là cách giúp trẻ hội nhập vào các sinh hoạt, hoạt động quan trọng trong gia đình. Chúng
ta có cả 1 cuộc đời để ăn thử mọi thức ăn trên thế giới, nhưng chúng ta chỉ có vài năm đầu đời để xây
dựng một kết nối tích cực với việc ăn uống và với thức ăn. Nếu việc học ăn của bé được hỗ trợ đúng đắn,
trẻ có thái độ tích cực với việc ăn uống và sẵn sàng để tham gia vào các bữa ăn chính của gia đình đều
đặn vào lúc 1-1,5 tuổi. Trẻ cũng có thể ăn được hầu hết các món mà gia đình thường ăn. Đương nhiên
thức ăn của trẻ thì nên được cắt nhỏ, nấu mềm và ít gia vị hơn một chút so với thức ăn người lớn. Đây là
dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng chuyển hẳn sang ăn thức ăn bên ngoài, và hoàn toàn không còn cần
bú mẹ nữa. Đó là lúc bạn nên cai sữa cho bé. Nếu em bé có tình trạng sức khỏe không tốt ví dụ như có bị
dị ứng bẩm sinh, hay phải điều trị y tế dài, hoặc sinh non, hoặc thiếu cân, suy dinh dưỡng, hoặc một số
căn bệnh khác thì thời gian cai sữa nên được lùi lại trễ hơn, người mẹ nên kéo dài việc cho trẻ bú thêm
một thời gian nữa.
Vậy các bước của tiến trình cai sữa nên diễn ra như thế nào. Thực ra chúng ta nên khởi động tiến trình
cai sữa từ ngay khi bé bắt đầu ăn dặm. Quy tắc ở đây là khi bé đã ăn được 1 bữa dặm trọn vẹn trong

một ngày thì bữa sữa đó sẽ được cắt. Ví dụ sau 1 tháng kể từ thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm, trẻ đã có
thể ăn trọn 1 bữa trưa với lượng thức ăn vừa phải thì lượt bú mẹ vào buổi trưa nên được cắt. Trước đó
trẻ mới làm quen với thức ăn và chỉ ăn được vài muỗng thì chúng ta có thể vẫn dặm thêm sữa mẹ,
nhưng khi trẻ đã ăn được bữa đó rồi và có thói quen ăn bữa đó rồi thì chúng ta không nên duy trì việc
dặm thêm sữa nữa. Khi người mẹ cắt dần các cữ bú theo tiến trình của bé thì tự nhiên cơ thể người mẹ
sẽ được gửi tín hiệu và cơ chế tiết sữa sẽ tự động điều chỉnh giảm lượng sữa để tương xứng với nhu cầu
mới của trẻ. Cứ như vậy sau vài tháng trẻ bắt đầu ăn bữa dặm thứ 2 (thường là bữa tối), khi đó người
mẹ sẽ cắt cữ bú tối. Và đến tầm 1 tuổi thì các cữ bú ban ngày của bé sẽ được cắt hết, chỉ còn cữ bú cuối
cùng trước giờ ngủ. Theo cách này lượng sữa sẽ giảm từ từ và tương xứng với nhu cầu sữa đang giảm
dần của em bé. Người mẹ khi cắt cữ bú cuối cùng sẽ không bị căng tức ngực, không bị tắc sữa, sốt hay
các tác động tâm lý bởi vì tiến trình cai sữa này kéo dài từ từ trong mấy tháng liền song song với quá
trình em bé tập ăn thức ăn ngoài. Vào thời điểm 1-1,5 tuổi này, bé đã ăn được 3 bữa ăn chính và một vài
bữa ăn nhẹ, bé đã tham gia vào bàn ăn gia đình và tận hưởng trải nghiệm hạnh phúc này của việc thích
nghi sâu hơn với đời sống. Về mặt tâm lý cũng như thể chất, bé đã sẵn sàng để được mẹ cai sữa hoàn
toàn.
Một số phụ huynh sẽ đặt câu hỏi là vậy nếu để trẻ tự cai sữa thì như thế nào? Xin chia sẻ góc nhìn của
chúng tôi đi theo kim chỉ nam Dõi theo trẻ và Tiếp cận toàn diện của phương pháp Montessori như sau.
Sữa mẹ mặc dù là thức ăn hoàn hảo mang đến cho trẻ các dưỡng chất và kháng thể mà không nguồn
thức ăn nào có thể sánh bằng trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Tuy nhiên một thứ tốt vào một thời điểm
không có nghĩa là sẽ tốt mãi mãi đặc biệt là trong địa hạt của sự phát triển tâm lý liên tục và phức tạp
của con người. Lúc mới sinh ra, em bé sơ sinh cần vòng tay của mẹ khi cho bú không chỉ để đón nhận
thức ăn cho thể lý mà còn là đón nhận thức ăn tâm lý cho cảm quan, cho cảm xúc và cho gắn kết đầu
đời. Vòng tay của mẹ thời điểm đó quan trọng như tử cung và bầu ngực của mẹ quan trọng là dây rốn
trong giai đoạn phôi thai thể chất của em bé. Tầm quan trọng đó khiến cho việc cho con bú trực tiếp là
không gì có thể thay thế được. Nhưng vào thời điểm sau 1,5 tuổi khi em bé đã đạt được các dấu mốc
quan trọng của sự phát triển như là biết đi, biết nói, biết ăn và sẵn sàng cho sự phân tách cuối cùng để
thành 1 con người, 1 cái tôi, 1 nhân cách độc lập thì khi đó vòng tay và bầu vú của mẹ có thể lại là
chướng ngại vật cho sự phân tách này. Trẻ lúc này cần nhiều hơn những trải nghiệm để có 1 cái tôi giàu
mạnh. Và điều đó chỉ đến khi người mẹ sẵn sàng để trẻ rời vòng tay của mình và bước vào thế giới xung
quanh – thế giới không có mẹ.
Khi đã đến thời điểm mà cái tôi của trẻ đã sẵn sàng tách ra khỏi mẹ nhưng người mẹ không tiếp cận một

cách nhạy cảm và không hỗ trợ tích cực, thì em bé này có thể sẽ không có được sự tự tin để đi ra thế
giới xung quanh và tận hưởng những lợi ích, những mối quan hệ mới mẻ ở thế giới đó. Trẻ có thể có xu
hướng e dè, ngần ngại, thu rút vì không yên tâm, không tin tưởng môi trường mới. Trẻ còn có thể có các
dấu hiệu phụ thuộc cảm xúc vào người mẹ bởi vì mọi sự phụ thuộc về thể chất thường sẽ dẫn đến phụ
thuộc về mặt tâm lý. Và thay vì hào hứng khám phá môi trường, bé có thể dành rất nhiều thời gian trong
ngày để mơ tưởng về bầu vú mẹ. Đúng là trẻ có thể tự cai sữa nhưng việc này thường đến rất muộn ở
độ tuổi lên 4, lên 5 hoặc thậm chí lên 6, 7. Đó là độ tuổi mà trẻ chủ động và rất tích cực trong các mối
quan hệ xã hội đồng lứa. Bạn hãy nghĩ đến các tác động của môi trường xã hội xung quanh trẻ với việc
trẻ đã lớn mà vẫn còn bú mẹ. Liệu trẻ có thích các trải nghiệm đó hay không? Liệu các tác động từ môi
trường xã hội xung quanh đó có để lại các dấu vết lâu dài trong tâm lý của trẻ. Thế nên chúng ta cần cân
nhắc đến cả những tác động của việc cho trẻ bú kéo dài đối với tâm lý của trẻ chứ không chỉ cân nhắc
mỗi lợi ích đối với thể lý.
Từ quan sát của bạn, bạn cũng có thể thấy được những biểu hiện này của việc em bé bị phụ thuộc vào
vú mẹ để được trấn an. Bạn cũng có thể thấy là em bé không thực sự đói và cần vú mẹ để thỏa mãn cơn
đói. Việc trấn an bằng bú mút trong những tháng đầu đời là rất tuyệt vời và đã được tự nhiên quy định
trong gen của loài người. Nhưng khi một con người lớn lên, con người này cần học cách trấn an bằng
những phương tiện, cách thức trưởng thành tương xứng với sự phát triển của bé. Con người này cũng
cần được tạo điều kiện để tận hưởng những niềm hạnh phúc đến từ nhiều hoạt động đa dạng khác
trong môi trường như là các hoạt động khám phá, học tập, các trải nghiệm với ông bà, anh chị, bạn bè
chứ không chỉ là với mẹ và loanh quanh bên bầu vú mẹ. Bạn cũng có thể sẽ nhìn thấy liên hệ trực tiếp
của việc bú vặt và việc bé ăn rất ít và kén ăn. Chúng tôi khuyên bạn hãy khởi động tiến trình cai sữa và
chỉ trong một thời gian ngắn bạn có thể sẽ nhìn thấy các biểu hiện này của bé biến mất. Chúng tôi tin
chắc rằng đó là thứ dưỡng chất mà bé cần trong thời điểm quan trọng để hình thành một nhân cách, cái
tôi độc lập này của em bé.
Vậy với một em bé 2 tuổi thì nên chuẩn bị tinh thần cho bé cho việc cai sữa như thế nào? Hãy đón nghe
radio tiếp theo về chủ đề ‘Chiêu cai sữa đơn giản nhất cho mẹ và bé’ nhé.
Em bé hạnh phúc xin kết thúc Radio số này tại đây. Nếu bạn có những bối rối và thắc mắc với con trẻ
trong gia đình, hãy email chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ: embehanhphucvn@gmail.com .Các bạn cũng
có thể truy cập vào website embehanhphuc.vn để tìm kiếm các bài viết đi theo triết lý ‘Dõi theo trẻ’, để
tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thơ trong giai đoạn xây dựng nền tảng nhân cách trong 6 năm đầu đời.
Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào radio tiếp theo.

[Radio Hiểu con – Yêu con] Số 21: Khi trẻ chậm nói – Hỗ trợ ngôn ngữ của trẻ tại gia đình

Xin chào các bạn, đây là Radio Hiểu con – Yêu con của chuyên trang Embehanhphuc.vn – một tổ chức có
sứ mệnh thúc đẩy nhận thức của cha mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng và công chúng về trẻ thơ và năng lực
tiềm tàng của trẻ trong 6 năm đầu đời. Radio Hiểu con – Yêu con là một kênh Radio trả lời các câu hỏi
thực tế phát sinh trong những tình huống khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thông qua
việc phân tích tình huống và đi theo kim chỉ nam ‘dõi theo trẻ’ chúng tôi giúp phụ huynh thấu hiểu tâm
lý sau các hành vi, hoạt động của con trẻ và từ đó yêu con theo cách tôn trọng và nhân văn hơn. Để mái
nhà và cha mẹ sẽ luôn là tổ ấm của con trong suốt cuộc đời.
Embehanhphuc nhận được một câu hỏi từ một phụ huynh 35 tuổi đến từ Đồng Nai: ‘Chào em bé hạnh
phúc. Bé nhà mình được 24th bé chưa đi học mẫu giáo. Bé ở nhà với ba sau 6th mẹ nghỉ thai sản và đi
làm lại vì ba làm việc tại nhà. Bé hiện nay rất nhạy khi lặp lại những gì ba mẹ nói với bé như mẹ nói mẹ
yêu cún ( bé ở nhà tên cún) hay mẹ gọi ba ơi là bé lập tức lặp lai.Nhưng bé chỉ lặp lại thôi chứ bé chưa
hiểu những gì ba mẹ nói với bé ví dụ mẹ nói đưa mẹ cái muỗng là bé sẽ ko thực hiện được vì bé ko hiểu.
Bé rất bám ba và chủ yếu tương tác với ba. Trong khoảng thời gian sau 6 tháng nghỉ sinh mình đi làm lại,
bé ở nhà với ba cả ngày, ba thường ko giúp bé tự lập mà hay làm dùm bé. Ví dụ tắm cho bé xong ba ẵm
bé trên người vừa lấy khăn tắm lau vừa mặc quần áo hoặc khi cởi đồ cho bé tắm thì cũng ẵm trên tay rồi
kéo quần kéo áo bé ra. Bé đi vệ sinh thì cho bé đi tự do ra nhà sau đó ba dọn. Bé phát triển ngôn ngữ
theo mình quan sát là ko song song với hành động. Bé nói liên tục như một cái máy nhưng khi giao tiếp
với bé nói bé làm hành động gì bé ko có khả năng tương tác qua lại…Bé nói rất nhiều những từ bé nhớ
đc một cách lộn xộn như: đi tắm,vô tắm, đi ngủ, vỗ tay, con hát, leo trèo, ba ơi… ’

Chào bạn, xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Về ngôn ngữ, một vài trẻ có hiện tượng lặp lại khi mới bắt đầu
nói như vậy nhưng sau vài tháng sẽ hết sau khi trẻ nhận thức được bản chất của giao tiếp 2 chiều, qua
lại giữa người với người trong môi trường. Chúng ta chỉ có thể kết luận 1 trẻ là chậm hay bất thường về
ngôn ngữ nói, chỉ sau  khi trẻ đạt mốc 3 tuổi. Bởi vì có một số trẻ mặc dù bắt đầu nói thì chậm hơn các
bé khác nhưng lại tăng tốc và bùng nổ ngôn ngữ nói nhanh chóng chỉ sau 1 thời gian ngắn. Thế nên chỉ
khi trẻ đạt mốc 3 tuổi, thường chúng ta mới đủ cơ sở để xác định liệu bé có những sự bất thường trong
ngôn ngữ nói hay không? Nếu như trẻ sinh ra và lớn lên trong các gia đình song ngữ thì chúng ta cần đợi
thêm 6 tháng nữa. Thời điểm đó chúng ta có thể tạm kết luận là trẻ chậm nói nếu như trẻ vẫn chưa có
khả năng dùng các cụm 2-3 từ. Nếu khoảng 3 tuổi bạn vẫn còn lo lắng thì hãy đưa bé đi tham vấn trực
tiếp bác sĩ nhi khoa.

Việc chậm ngôn ngữ này có thể đến từ việc trẻ sinh non, hoặc phải điều trị bệnh viện quá lâu sau sinh.
Ngoài ra chậm ngôn ngữ cũng có thể đến từ việc em bé đã không có được một môi trường giàu tính
ngôn ngữ để cung cấp dưỡng chất, kích thích phù hợp cho sự phát triển ngôn ngữ của bé. Những ví dụ
bạn đưa ra về việc bố của em bé không cho bé cơ hội tự lập, hai ba con không có những sự tương tác
chất lượng, giàu tính ngôn ngữ, có thể là nguyên nhân chính dẫn đến bé chưa xây dựng được khả năng
nghe hiểu, làm theo các hướng dẫn bằng lời của người lớn hoặc dẫn đến hiện tượng bé nói như một cái
máy tức là không có chủ đích trong lời nói.
Trước hết, chúng ta cần biết rằng trẻ không được sinh ra cùng với ngôn ngữ, mà trẻ chỉ sinh ra cùng với
tiềm năng học ngôn ngữ. Mặc dù chúng ta thường gọi ‘ngôn ngữ mẹ đẻ’, nhưng không hẳn là khi mẹ đẻ
em bé ra là em đã có ngôn ngữ đó trong người. Nói đơn giản là không có em bé nào sinh ra với gen di
truyền đã định sẵn là nói tiếng Việt hay nói tiếng Anh. Mà chính môi trường em sinh ra, có thứ ngôn ngữ
gì thì em bé sẽ thấm hút thứ ngôn ngữ đó và học nó, biến nó thành ngôn ngữ của em. Khi nhận thức
được điều này chúng ta sẽ nhận ra rằng trẻ phụ thuộc vào chúng ta – cha mẹ, thầy cô trong việc tạo ra
một môi trường thuận lợi cho việc học ngôn ngữ. Nếu như cha mẹ chủ đích tạo ra và cho trẻ tiếp xúc với
một môi trường giàu tính ngôn ngữ thì trẻ có được những kích thích ngôn ngữ chất lượng và có được
điều kiện tối ưu để phát huy tiềm năng ngôn ngữ của mình.
Vậy ở môi trường gia đình, ba mẹ có thể làm gì để cải thiện chất lượng của môi trường ngôn ngữ mà trẻ
tiếp xúc? Embehanhphuc xin đưa ra một số hướng dẫn thực tế và cụ thể như sau:
 Điều đầu tiên – Luôn phản hồi các nỗ lực giao tiếp của trẻ cho dù đó là giao tiếp lời nói hay phi
lời nói. Qua đó chúng ta thể hiện niềm ham muốn giao tiếp với trẻ, muốn được lắng nghe thông
điệp, câu chuyện của trẻ và đó chính là động lực để trẻ bày tỏ, chia sẻ… Khi trẻ tầm 2-3 tuổi và
bắt đầu có thể truyền đạt tốt hơn bằng ngôn ngữ nói chúng ta hướng trẻ tới các cách giao tiếp
dùng lời nói để thay thế cách giao tiếp phi lời nói. Ví dụ, ta hướng dẫn trẻ khi cần giúp đỡ thì tìm
mẹ và nhờ ‘Mẹ ơi, giúp con!’ thay vì khóc lóc, la hét.
 Điều thứ 2 – Làm mẫu hội thoại 2 chiều với trẻ và luôn dùng hội thoại 2 chiều để giao tiếp với
trẻ. Hội thoại 2 chiều là hội thoại trong đó 1 người nói rồi dừng lại chờ đợi sự phản hồi của
người đối diện và có sự trao đổi thông tin qua lại của 2 bên. Trong hội thoại 2 chiều, các bước
Nói – Chờ đợi – Lắng nghe – Phản hồi đều hiện diện. Ngoài ra còn có giao tiếp mắt, và các tương
tác hình thể như là gương mặt, ngôn ngữ cử chỉ, cảm xúc đi kèm lời nói… Trẻ cần nhìn thấy
những người lớn trong môi trường làm mẫu các hội thoại 2 chiều này, và đồng thời chúng ta
cũng chủ đích tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm càng sớm càng tốt. Thậm chí những em bé chỉ

mới 2,3 tháng tuổi đã có thể tham gia vào các giao tiếp 2 chiều này. Khi bế ẵm trẻ sơ sinh trên
tay và trò chuyện, hãy chủ đích chờ đợi những âm ú ớ, bập bẹ của bé xem giữa những đoạn mà
bạn nói cho trẻ nghe, bởi vì những lúc trẻ bập bẹ đó chính là sự thể hiện của những ham muốn
giao tiếp của trẻ và là những trải nghiệm đầu tiên của giao tiếp 2 chiều. Khi trẻ lớn hơn, rất quan
trọng là chúng ta hạ thấp người ngang tầm với trẻ bất kỳ khi nào có thể. Việc hạ thấp người sẽ
giúp trẻ nhìn được hệ thống phát âm và cảm xúc trên gương mặt khi ta nói. Nhờ vậy trẻ thấm
hút được cách phát âm chính xác và những biểu lộ cảm xúc đi kèm với lời nói của chúng ta.
 Điều thứ 3 – Miêu tả các bước, các hành động của những quy trình chăm sóc trẻ như thay tã,
tắm rửa, ăn dặm… Thông thường những quy trình chăm sóc thể chất này thường được thực
hiện qua loa, nhanh gọn cho xong nhưng điều đó không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho trẻ. Nếu
chúng ta có thể thực hiện các quy trình này với tâm thế ‘làm cùng với trẻ’ thì trẻ sẽ nhận được
vô cùng nhiều lợi ích từ các hoạt động thể chất này. Trong mỗi quy trình, mỗi bước cần được
thực hiện chậm rãi cùng với lời thông báo trước khi làm. Những lời thông báo, hoặc những
hướng dẫn, mệnh lệnh cụ thể sẽ giúp trẻ nhận thức được điều gì đang diễn ra, và kết nối được
các trải nghiệm đang có với thứ ngôn ngữ dùng để gọi tên, mô tả nó. Ví dụ như: ta thông báo với
con ‘Quần con ướt rồi, nhìn nè. Con sờ thử đi. Sờ. Ướt. Ướt rồi… Đi thay nào. Lại đây, mẹ giúp
con’, tại chỗ thay quần, hướng dẫn bé từng bước ‘Con đứng dậy. Đây là lưng quần. Mẹ cầm bên
này, con cầm ở bên kia… Tụt lưng quần xuống nào… Quần xuống chân rồi. Giờ con ngồi xuống
ghế. Mẹ giữ lưng quần. Kéo chân bên này ra… Chân ra khỏi quần rồi…’. Với cách này, trẻ được
kết nối để tập trung vào hoạt động, trẻ vừa tham gia để càng ngày càng độc lập. Và quan trọng
hơn, nhờ ngôn ngữ mà người chăm sóc chủ đích sử dụng, trẻ nhận thức tốt hơn về các hành
động, các bước của quy trình, và học được các từ vựng, mẫu câu, mẫu hội thoại liên quan đến
bối cảnh mà trẻ đang trải qua. Cách này bạn có thể bắt đầu ngay từ lúc trẻ được sinh ra và kéo
dài đến khi trẻ 1,5-2 tuổi.
 Điều thứ 4 – Gọi tên các vật, các sự việc mà trẻ đang tiếp xúc, đang trải nghiệm lặp đi lặp lại vài
lần. Trẻ học được rất nhiều từ vựng từ những vật thật, tình huống thật trong gia đình. Vd các đồ
dùng trong nhà bếp, các đồ nội thất, rau củ quả trong tủ lạnh… Khi trẻ đang sờ nắm, nếm ngửi,
trải nghiệm, khám phá các đồ vật này đó là lúc tốt nhất để trao tên gọi của vật đó cho trẻ. Ví dụ,
bạn có thể mang trẻ đi siêu thị, khi lựa rau củ quả, hãy để trẻ cầm nắm, ngửi mùi chúng. Chúng
ta đưa cho bé 1 quả chanh ‘Đây là quả chanh, con cầm quả chanh. Con ngửi mùi quả chanh đi.
Quả chanh thơm mát quá nhỉ!’… Hoặc ở gia đình, trong các sinh hoạt cũng hãy chủ đích dán
nhãn, gọi tên. ‘Đây là ly sứ. Mẹ rót nước vào ly sứ cho em nhé. Em cầm ly sứ đi. Em đặt lại ly sứ

ở đây.’
 Điều thứ 5 – kỹ thuật mở rộng: Khi trẻ lên 1 tuổi, trẻ bắt đầu nói được 1 vài từ. Khi trẻ chỉ cho
chúng ta một điều gì đó và gọi tên, chúng ta phản hồi trẻ bằng cách mở rộng hội thoại xung
quanh từ khóa mà trẻ đã trao. Ví dụ trẻ chỉ vào con chó bên đường và nói ‘Chó’, chúng ta ghi
nhận và phản hồi ‘Em thấy con chó à. Ừ, ông cụ đang dắt con chó đi dạo. Con chó đang vẫy đuôi
kìa. Con chó sủa gâu gâu.’ Hoặc là ‘Xe. Đúng rồi, xe hơi đang chạy trên đường.’… Nhờ sự mở
rộng, trẻ không chỉ biết từ khóa mà trẻ còn thấy cách chúng ta dùng từ khóa trong 1 câu, sắp
xếp câu theo thứ tự hợp lý để mô tả tình huống đang diễn ra.
 Điều thứ 6 – Khi trẻ nói sai từ hoặc sai ngữ pháp, sai phát âm, đơn thuần nói lại theo cách đúng.
Khi đối diện với các lỗi sai ở trẻ, tránh tuyệt đối việc cười nhạo, chế giễu trẻ bởi vì trẻ chỉ nói khi
trẻ nhìn thấy rằng lời nói của trẻ được ai đó đón chờ và lắng nghe. Chúng ta giúp trẻ học được
cách nói đúng bằng việc nói lại theo cách đúng để làm mẫu thêm cho trẻ một vài lần nữa. Ví dụ,
khi trẻ chỉ vào một con mèo và gọi ‘Chó, chó!’, ta chỉ đơn giản là hồi đáp trẻ ‘À, con nhìn thấy 1
con vật. Đó là mèo. Mèo, mèo’; hoặc khi trẻ nói ‘Khát, ly’ ta trả lời ‘Ý con là con khát đúng
không? Con khát, mẹ lấy ly nước giúp con!’.
 Điều thứ 7 – Đa dạng các hoạt động ngôn ngữ trong gia đình. Trẻ nên được trải nghiệm và tham
gia vào đa dạng các hoạt động ngôn ngữ như hát, đọc thơ, đọc sách, nghe kể chuyện, chơi các
trò chơi với vè, đồng dao… Những hoạt động này nuôi dưỡng tình yêu của trẻ với các hoạt động
nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đồng thời giúp trẻ thu lượm được nhiều từ vựng với, mẫu câu mới
mà có thể trẻ hiếm khi gặp trong ngôn ngữ nói thường ngày của gia đình. Bạn có thể nghe thêm
radio 14, 15 để có thêm các hướng dẫn cụ thể để chọn sách phù hợp với tâm lý trẻ và xây dựng
môi trường nuôi dưỡng tình yêu với việc đọc sách.
Với 7 hướng dẫn cụ thể này, chúng tôi hi vọng giúp các bạn hình dung cụ thể được điều cần làm để nuôi
dưỡng ngôn ngữ nói của trẻ. Và điều quan trọng là những giải pháp này không chỉ giúp làm giàu tính
ngôn ngữ của môi trường mà còn tạo cơ hội cho trẻ trong những khía cạnh phát triển khác như là sự độc
lập, lòng tự trọng và sự tự tin, cảm xúc, nhận thức…
Em bé hạnh phúc xin kết thúc Radio số này tại đây. Nếu bạn có những bối rối và thắc mắc với con trẻ
trong gia đình, hãy email chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ: embehanhphucvn@gmail.com .Các bạn cũng
có thể truy cập vào website embehanhphuc.vn để tìm kiếm các bài viết đi theo triết lý ‘Dõi theo trẻ’, để
tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thơ trong giai đoạn xây dựng nền tảng nhân cách trong 6 năm đầu đời.
Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào radio tiếp theo.

[Radio Hiểu con – Yêu con] Số 20: Flashcard và sự phát triển tự nhiên– Giáo dục sớm hay giáo dục đúng?

Xin chào các bạn, đây là Radio Hiểu con – Yêu con của chuyên trang Embehanhphuc.vn – một tổ chức có
sứ mệnh thúc đẩy nhận thức của cha mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng và công chúng về trẻ thơ và năng lực
tiềm tàng của trẻ trong 6 năm đầu đời. Radio Hiểu con – Yêu con là một kênh Radio trả lời các câu hỏi
thực tế phát sinh trong những tình huống khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thông qua
việc phân tích tình huống và đi theo kim chỉ nam ‘dõi theo trẻ’ chúng tôi giúp phụ huynh thấu hiểu tâm
lý sau các hành vi, hoạt động của con trẻ và từ đó yêu con theo cách tôn trọng và nhân văn hơn. Để mái
nhà và cha mẹ sẽ luôn là tổ ấm của con trong suốt cuộc đời.
Embehanhphuc nhận được một câu hỏi từ một phụ huynh 26 tuổi đến từ Đaklak: ‘Trẻ học thẻ sớm từ 6
tháng tuổi liệu có hiệu quả. Có thể tìm hiểu ở đâu để có thể áp dụng việc học thẻ cho con thật hiệu quả.’
Chào bạn, xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Mặc dù là một câu hỏi ngắn gọn với thông tin rất cụ thể, nhưng
lại đi thẳng vào một tranh luận vô cùng nóng hổi trong giáo dục trẻ đầu đời – đó chính là Giáo dục sớm
hay giáo dục đúng? Vì thế Embehanhphuc sẽ vừa trả lời phần câu hỏi cụ thể của bạn, vừa sẽ đưa ra một
số lăng kinh để cha mẹ, người giáo dưỡng trẻ sơ sinh sử dụng để phản biện lại khái niệm trong ngoặc
kép ‘Giáo dục sớm’ này.
Để xác định được liệu việc học thẻ sớm, hay nói chung về mọi hoạt động ta giới thiệu đến trẻ là có hiệu
quả hay không thì trước hết ta phải biết rõ mục đích của việc giới thiệu hoạt động đó là gì? Bạn phải xác
định là dùng thẻ hay flashcard cho trẻ 6 tháng tuổi để làm gì? Trong câu hỏi của bạn không trình bày
mục đích này, thế nên chúng tôi đã phải dùng google để tìm kiếm thông tin về các loại thẻ hay flashcard
dùng cho trẻ sơ sinh, và từ hầu hết những bài viết mà chúng tôi tìm thấy được thì các mục đích thường
được nhắc đến là để kích thích thị giác, tận dụng giai đoạn ‘vàng’ của sự phát triển não bộ, hoặc để trẻ
biết màu, biết hình dạng, để trẻ sớm biết đọc, biết số… Bây giờ chúng ta sẽ đi vào từng mục đích để xem
thử flashcard hay thẻ có thật sự giúp trẻ không nhé?
Nếu như mục đích của các tấm thẻ này là để kích thích thị giác đầu đời thì phương tiện này có thể nói là
không cần thiết. Đúng là khi em bé mới ra đời, thị giác của em bé đang dần hoàn thiện các năng lực căn
bản của thị giác như khả năng dò mắt theo vật chuyển động, khả năng phân biệt màu và sắc độ, khả
năng nhìn được chiều sâu… Tiềm năng để hình thành những năng lực này có tồn tại trong mọi trẻ nếu
trẻ đó được sinh ra với thể chất khỏe mạnh bình thường tức là không có bất thường bẩm sinh trong hệ
thống thị giác. Trong những tuần đầu tiên, việc liên tục được tiếp xúc với mẹ, được mẹ cho bú, ôm ấp

trò chuyện trong vòng tay mẹ, sẽ cho bé những kích thích thị giác phù hợp nhất với thị giác non trẻ của
bé. Khoảng cách 20cm từ đôi mắt bé khi bú mẹ, đến gương mặt của người mẹ đã được tự nhiên tính
toán hoàn hảo, vừa trùng khít với khoảng cách mà trẻ trong những tuần đầu đời có thể nhìn.
Sau tầm 2 tháng, ngoài những trải nghiệm với mẹ, bé còn nên được tạo điều kiện quan sát, tiếp xúc với
những con người và những sinh hoạt thông thường trong không gian gia đình như là ba nấu ăn, bà giặt
quần áo, ông tưới cây, bóng cây, bóng lá trong vườn, một chiếc chuông gió bên cửa sổ, một bình hoa
trên bàn…. Thứ đáng giá nhất bạn có thể trao cho trẻ lại chính là thứ mà bạn không phải đầu tư bất kỳ
chi phí nào. Cuộc sống vốn dĩ đầy màu sắc, đầy hình dạng, đầy âm thanh, đầy mùi vị… Vậy tại sao không
trao cho trẻ sự đa dạng, phong phú đó của đời sống mà lại cần phải giới hạn trẻ trong những tập
flashcard cứng nhắc, những thức chỉ cung cấp những lát cắt giới hạn, chỉ với hình ảnh 2 chiều của cuộc
sống đa chiều này? Trao cho trẻ những điều có thật, để trẻ tham dự vào đời sống của chúng ta là ta
đang cung cấp kích thích phù hợp, lý tưởng nhất cho không chỉ thị giác mà mọi giác quan, vận động,
ngôn ngữ, trí tuệ của trẻ.
Còn mục đích dùng những flashcard để dạy trẻ hình dạng, chữ số, chữ cái, để trẻ biết đọc, biết làm toán
sớm thì sao? Hoạt động học tập của trẻ là một hoạt động tự nhiên, hữu cơ không thể tách rời khỏi sự
sống, đời sống của trẻ. Trẻ nào cũng sinh ra với tình yêu vô bờ bến và đồng thời vô thức cho việc học
tập. Bất kỳ trẻ nào cũng say mê khám phá, thử nghiệm trong môi trường kể cả khi trẻ còn nằm một chỗ
thì chúng ta vẫn có thể thấy những biểu hiện đầu đời này của việc học tập của trẻ. Trẻ múa bàn tay
trước mặt và thăm dò tìm hiểu nó, trẻ gặm tấm thảm ngủ, trẻ ném muỗng, ném ly, trẻ dấu một quả
banh dưới miếng vải… Tất cả đếu là những biểu hiện của quá trình học tập tự thân của trẻ. Mặc dù việc
học tập là việc tự nhiên của trẻ, nhưng việc giáo dục lại là việc của cha mẹ, thầy cô. Hai việc này không
phải là một. Chính vì không phải là một nên đôi lúc sẽ có khoảng cách giữa việc học tập của trẻ và việc
dạy dỗ, giáo dục của cha mẹ, thầy cô. Khi việc giáo dục của người lớn không đồng điệu được với các quy
luật học tập tự nhiên trong trẻ, khi đó mâu thuẫn diễn ra và dẫn đến các biểu hiện lệch lạc của việc học
tập như sợ học, chán nản khi vào lớp, không hợp tác với người hướng dẫn, trốn tránh… Khi trẻ lớn, ta dễ
dàng nhìn thấy khoảng cách này thông qua các phản ứng của trẻ với việc đến trường đến lớp, bởi vì trẻ
lớn đã biết cách thể hiện, biểu lộ, phát biểu cảm xúc và ý kiến cá nhân của mình và cha mẹ rất dễ dàng
để dò hỏi, nhận ra nếu việc giáo dục ở trường lớp không thỏa mãn được trẻ. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, và
đặc biệt trẻ sơ sinh thì điều này là không thể, trẻ chưa có năng lực thể hiện đó. Dù ta làm gì, thì trẻ cũng
không tiến tới và nói cho chúng ta biết là chúng ta có đang làm trẻ thõa mãn hay không. Vì thế để biết
được liệu việc giáo dục ta đang làm có thực sự thuận tự nhiên hay không chúng ta cần kiến thức và quan

sát. Chúng ta cần có kiến thức về cách học tập của trẻ sơ sinh, dạng thức tâm trí của trẻ, và qua đó đưa
đến trẻ cái trẻ thực sự cần để trẻ phát triển chứ không phải đưa cho trẻ cái mà chủ quan ta cho rằng trẻ
cần. Nên điều rất quan trọng của người làm giáo dục với trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là độ tuổi trẻ
sơ sinh, kể cả là cha mẹ hay thầy cô, đó là phải hiểu được cách học của trẻ, và điều chỉnh việc giáo dục
của mình để thuận theo các quy luật học tập tự nhiên vận hành trong trẻ. Chúng tôi gọi đây là Giáo dục
hữu cơ, tức là giáo dục mà người lớn thực hiện với trẻ nhưng trong mối liên hệ với sự sống, đời sống của
trẻ và thuận theo, nương theo các quy luật tự nhiên chi phối sự phát triển tự nhiên của trẻ. Thế nên với
em bé 6 tháng chúng ta chỉ cần quan sát cũng có thể thấy rằng trẻ hoàn toàn không có nhu cầu biết hình
dạng, biết màu sắc, biết số học, biết chữ số, chữ viết làm gì cả. Tất cả những thứ đó là thứ trẻ cần biết ở
những nhóm tuổi sau này, khi trẻ hội nhập sâu hơn với xã hội, trường học, thì khi đó trẻ mới cần biết và
mới có động lực tìm hiểu. Trước 3 tuổi trẻ chỉ thấm hút toàn bộ môi trường một cách vô thức mà không
có nhu cầu sắp xếp, phân loại, lý giải về thế giới xung quanh mình. Tầm khoảng 3 tuổi, cùng với sự phát
triển lên một giai đoạn mới của não bộ, trẻ mới có năng lực nhận thức được hình dạng, màu sắc trong
thế giới đa chiều, đa sắc mà trẻ đã hấp thụ trong những năm đầu đời. Thế nên việc đưa các flashcard
hình dạng, màu sắc cho trẻ trước thời điểm 2,5 tuổi là vô nghĩa, thậm chí còn là một sự lãng phí thời
gian của trẻ. Còn nếu trẻ sau 2,5 tuổi thì bạn có thể đưa, có thể không đưa cũng không sao. Bởi vì thông
qua việc người lớn gọi tên chính xác trong môi trường như bông hoa màu vàng, cái áo màu đỏ, quả banh
màu xanh, cái bánh hình tròn, cái bàn hình chữ nhật thì trí tuệ của trẻ cũng có thể tự trừu tượng hóa và
nhận ra được các đặc tính này. Còn với các thẻ chữ số và chữ cái thì nếu bạn có hoạt động phù hợp cho
trẻ thì có thể giới thiệu với trẻ ở giai đoạn trẻ lên 4, lên 5 hoặc muộn hơn cũng không sao hết. Không có
gì phải vội, chữ số, chữ cái đơn thuần chỉ là thông tin, cũng như đọc, viết, làm toán, đơn thuần cũng chỉ
là kỹ năng, con người có thể nạp thông tin và học kỹ năng vào bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời. Điều
quan trọng cần ghi nhớ là con người chỉ có thời gian ngắn ngủi để hình thành các năng lực và tạo hình
nhân cách trong vài năm đầu đời mà thôi.
Vậy với mục đích để tận dụng giai đoạn vàng của não bộ thì sao? Đúng là 2 năm đầu tiên của trẻ là 2
năm mà trẻ bùng nổ các khớp thần kinh. Trẻ sinh ra với hàng tram tỉ nơ ron thần kinh nhưng những nơ
ron này lại chưa kết nối với nhau. Giống như có cả hàng trăm tỉ chiếc điện thoại trên trái đất nhưng chưa
có chiếc nào được nối dây. Chính vì thế tiềm năng truyền thông tin, trao đổi là rất lớn nhưng lại cần
được hiện thực hóa. Và trẻ hiện thực hóa điều này bằng mọi tương tác với môi trường. Với mỗi trải
nghiệm mà trẻ có – bất kỳ trải nghiệm gì cũng vậy, một loạt các khớp thần kinh được kết nối. Vì thế
không phải chỉ những trẻ được dùng flashcard thì những khớp thần kinh này mới được kết nối. Trên
thực tế, điều đã được nhiều nghiên cứu khoa học xác nhận và chính các ba mẹ cũng hoàn toàn tự cảm

nhận và đánh giá được, đó là các trải nghiệm thực của đời sống lại là những trải nghiệm chất lượng hơn
rất nhiều so với flashcard. Ví dụ, nếu chúng ta đưa cho trẻ 1 tấm flashcard có hình quả xoài và giới thiệu
‘Đây là quả xoài’ so với việc em bé này được cầm, nắm, sờ chạm, ngửi mùi, nếm mùi vị đậm đà, riêng
biệt của quả xoài thì phương án nào sẽ mang đến cho trẻ các kết nối thần kích đa dạng hơn ạ? Một tấm
thẻ chỉ mang đến 1 hình ảnh 2 chiều, nếu so sánh với cuộc sống đa chiều, đa sắc chắc chắn những trải
nghiệm thật trong đời sống sẽ mang đến cho trẻ vô vàn các kết nối thần kinh chất lượng. Sau 1 năm đầu
đời, trọng lượng não bộ của trẻ tăng trưởng gấp 3 lần. Và đến 6 tuổi thì trọng lượng não của trẻ bằng
95% trọng lượng não người trưởng thành. Thông tin về sự tăng trưởng trọng lượng này, thường được
truyền thông, thương mại lấy ra để quảng cáo và đôi lúc bị đánh tráo khái niệm khiến ba mẹ nhầm
tưởng rằng đây là giai đoạn học tập siêu việt nên phải nhồi thật nhiều thông tin, kiến thức cho trẻ.
Nhưng đó chưa phải là toàn bộ bức tranh. Não bộ của trẻ tăng trưởng ngoạn mục trong vài năm đầu
đời, nhưng sự quan trọng không phải nằm ở phần lượng của sự phát triển mà nằm ở phần chất của sự
phát triển. Đây không phải là giai đoạn trẻ nạp các thông tin kiểu dữ liệu, mà chính là giai đoạn mà cấu
trúc tâm trí của trẻ được hình thành. Thông tin, dữ liệu có thể nạp vào bất kỳ thời điểm nào của cuộc
đời. Còn cấu trúc tâm trí, các năng lực căn bản của tâm trí như vận động, ngôn ngữ nói, trí thông minh,
cảm xúc, ý chí… thì chỉ hình thành trong khoảng thời gian ngắn ngủi này. Nói một cách đơn giản đây là
giai đoạn trẻ đang xây dựng hệ thống khung cho bộ máy học tập và bộ máy vận hành trọn đời của mình.
Nhiệm vụ thiết yếu và quan trọng tối hậu như vậy nhưng lại chưa được ba mẹ, thầy cô ghi nhận đúng
mực. Thay vào đó, các ba mẹ lại thường trả lời nhầm nhu cầu phát triển của con bằng cách cung cấp thật
nhiều chữ số, chữ cái, hình dạng, màu sắc, từ vựng… cốt sao cho con nạp thật nhiều thông tin và đặt em
bé của chúng ta vào đường đua thành tích ngay từ những tháng đầu tiên của cuộc đời. Chính vì trẻ đang
xây dựng cấu trúc nhân cách và nền tảng tâm trí, thay vì mang đến cho trẻ những thông tin đa phần là
vô ích qua flashcard, Embehanhphuc xin gợi ý cho bạn một số nhu cầu phát triển thiết yếu của trẻ trong
năm đầu tiên của đời và qua đó bạn có thể nhìn nhận lại môi trường và tập trung nỗ lực của mình vào
việc trả lời những nhu cầu này. Cụ thể trong năm đầu tiên trẻ có 4 nhu cầu thiết yếu như sau:
 Nhu cầu thứ nhất và quan trọng nhất của trẻ sơ sinh là gắn kết với người chăm sóc chính và qua
đó xây dựng niềm tin căn bản với thế giới xung quanh như là một nơi đáng tin cậy, một nơi mà
các nỗ lực giao tiếp của trẻ được lắng nghe và được trả lời. Niềm tin căn bản với thế giới này
cũng là nền tảng để trẻ xây dựng niềm tin căn bản với chính bản thân mình như là một con
người có năng lực, có tiếng nói, có ích cho chính mình và cho cộng đồng. Hai niềm tin căn bản
này xây dựng thông qua những trải nghiệm với người chăm sóc chính, tốt nhất là mẹ đẻ của em,
trong năm đầu tiên của cuộc đời. Một em bé có gắn kết đầy tin tưởng, được yêu thương vô điệu

kiện, được chăm sóc chu đáo bởi 1 người thân yêu thì lớn lên trở thành một con người cân
bằng, hạnh phúc và có niềm tin để vượt qua các thử thách, sóng gió gặp phải trong cuộc đời.
 Nhu cầu thứ 2 là nhu cầu vận động. Trẻ cần được trao tự do vận động ngay từ lúc sinh ra. Chính
vì thế chúng ta cần mặc cho trẻ các quần áo thoải mái và hỗ trợ vận động. Chúng ta tránh quấn
bé, tránh đặt bé vào các loại dụng cụ gây nguy hiểm như ghế tập ngồi, xe tập đi, đai nhún… mà
cần để bé luyện tập vận động tự thân ở tốc độ của bé. Để có thêm thông tin, mới bạn nghe
thêm radio số 10 – Lựa chọn hoạt động kích thích vận động cho trẻ 0-3. Chúng ta cần sắp xếp lại
môi trường để tạo cho trẻ không gian rộng rãi khi trẻ bắt đầu bò, đi, chạy. Chúng ta cần ở bên
cạnh để đảm bảo an toàn nhưng vẫn tin tưởng trẻ để trẻ luyện tập đứng, bò, trườn, đi men,
trèo, đu… Nếu gia đình có điều kiện, nên cung cấp thêm 1 số thiết bị vận động như thang
pickler, xà đu, thanh vịn, ròng rọc… Còn nếu gia đình không có điều kiện, hãy tận dụng các đồ
dùng trong gia đình và cho trẻ các trải nghiệm cần thiết như bò lên cầu thang, vịn thành giường
để đi, bám khung cửa sổ đứng dậy… hoặc tận dụng các khu vui chơi vận động công cộng để cho
trẻ các trải nghiệm này hằng ngày.
 Nhu cầu thứ 3 là nhu cầu xây dựng ngôn ngữ nói. Trẻ cần được nhúng trong một môi trường
giàu tính ngôn ngữ để lắng nghe, thấm hút và từ đó xây dựng ngôn ngữ của trẻ thông qua việc
mô phỏng lại. Thế nên chúng ta cần quan sát để trả lời các tín hiệu giao tiếp của trẻ ngay từ
những giây phút đầu đời. Chúng ta cũng trò chuyện với trẻ và làm mẫu hội thoại 2 chiều tức là
chúng ta không chỉ nói cho trẻ nghe mà còn đợi trẻ bập bẹ phản hồi nữa. Chúng ta để trẻ khám
phá, trải nghiệm các vật trong môi trường và gọi tên ngay khi trẻ đang sờ chạm, ngửi, nếm
chúng, trong bữa ăn, khi đi chợ, khi ra vườn, lúc đi dạo… Khi thay tã, tắm rửa, thay quần áo, cho
trẻ ăn… chúng ta tuân theo một trình tự nhất định và luôn thông báo, gọi tên các bước, các hành
động mà ta làm với trẻ. Chúng ta cũng làm mẫu các hoạt động ngôn ngữ phong phú như thơ, hò
vè, đọc sách… trong môi trường của trẻ. Bạn có thể nghe thêm Radio 14, 15 để có thêm các gợi ý
để xây dựng môi trường nuôi dưỡng tình yêu với việc đọc sách cho trẻ nhỏ.
 Nhu cầu thứ 4 đó là nhu cầu độc lập. Mặc dù trẻ dưới 1 tuổi còn rất bị động nhưng chúng ta cần
xác định tâm thế chúng ta giúp trẻ để trẻ sau này có thể tự làm. Vì thế khi chăm sóc trẻ luôn
luôn thực hiên với trẻ chứ không phải là cho trẻ. Chúng ta thay tã với trẻ, dùng bữa ăn với trẻ,
mặc quần áo với trẻ… chứ chúng ta không thay tã cho trẻ, đút cho trẻ ăn, mặc quần áo và tắm
rửa cho trẻ. Đó chính là sự khác nhau của nhà giáo dục, giáo dưỡng với 1 người giúp việc. Trong
mọi hoạt động, luôn khuyến khích trẻ làm phần việc mà trẻ có thể mặc dù trẻ sẽ làm với chất
lượng rất thấp. Luôn chờ đợi để trẻ làm với tốc độ chậm chạp và khả năng có giới hạn của trẻ. Ví

dụ bạn có thể cho trẻ 1 miếng giấy để trẻ tự lau mũi, bạn bế trẻ lại bồn rửa tay để trẻ tự mở
nước, bạn để trẻ tự giật nước bồn cầu hay đóng nắp thùng rác… Bạn vẫn luôn ở đó để hỗ trợ
những điều trẻ chưa đủ năng lực làm, nhưng hãy luôn khuyến khích các biểu hiện của nỗ lực để
độc lập của trẻ nhé. Và cuối cùng luôn ghi nhận những nỗ lực của trẻ nhưng không cần phải
khen ngợi. Ví dụ: ‘Con đã kéo được quần lên rồi’ ‘Con lau gần sạch mũi rồi nè, để mẹ giúp phần
còn lại’
Để kết thúc radio số này, hãy quay lại với khái niệm giáo dục sớm. Giáo dục thực sự là việc làm có chủ
đích của người lớn nhưng với mục đích là hỗ trợ đời sống – đời sống và sự phát triển của một em bé.
Chính vì vậy giáo dục phải bắt đầu từ lúc đời sống, sự sống bắt đầu – tức là bắt đầu từ lúc trẻ chào đời.
Không phải vì chúng ta thực hiện việc giáo dục ngay lúc trẻ sinh ra mà chúng ta gọi đó là giáo dục sớm.
Cụm từ ‘giáo dục sớm’ đã phủ lớp sương mờ lên bản chất của giáo dục đầu đời và khiến cho nhiều ba
mẹ, giáo viên vì hiểu sai nên đã rơi vào một cuộc đua để cho con trẻ được sớm – sớm đứng, sớm đi,
sớm đọc, sớm viết. Hãy nhìn một cái cây và suy nghĩ về giáo dục. Có ai mong một cái cây sớm ra hoa,
sớm kết trái. Cái cây sẽ có lịch trình của nó, cây ra hoa khi bên trong cây đạt đủ sự chuẩn bị và đồng thời
cây còn cần điều kiện bên ngoài tạo thuận lợi để việc ra hoa diễn ra như là thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm,
nước… Khi sự sẵn sàng bên trong cái cây gặp được điều kiện thuận lợi bên ngoài thì chúng ta thấy hoa
thơm, trái ngọt. Chúng ta không thể thúc cho một cái cây ra hoa và kết trái. Một số phương pháp sẽ
dùng thuốc, hóa chất để thúc, nhưng những cách thức này chắc chắn gây hại bởi vì đó là những cách
thức trái ngược với nhịp đập, quy luật của tự nhiên. Trong địa hạt giáo dục cũng tương tự, giáo dục
muốn không gây hại thì phải bắt nguồn từ sự sống, phải bảo vệ và hỗ trợ sự sống đó trước. Không có sự
giáo dục nào sớm mà lại tốt, chỉ có giáo dục đúng lúc, đúng cách thì mới giúp cho một con người hạnh
phúc, hài hòa, cân bằng mà thôi. Chúng tôi hi vọng câu trả lời giúp bạn gạt bỏ được những lớp sương mờ
của lớp lo âu, sợ hãi để quay trở lại quan sát và tận hưởng năm đầu tiên quý giá này với con thơ.
Em bé hạnh phúc xin kết thúc Radio số này tại đây. Nếu bạn có những bối rối và thắc mắc với con trẻ
trong gia đình, hãy email chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ: embehanhphucvn@gmail.com .Các bạn cũng
có thể truy cập vào website embehanhphuc.vn để tìm kiếm các bài viết đi theo triết lý ‘Dõi theo trẻ’, để
tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thơ trong giai đoạn xây dựng nền tảng nhân cách trong 6 năm đầu đời.
Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào thứ 3 tuần sau.

[Radio Hiểu con – Yêu con] Số 19: Môi trường tiếng Anh hữu cơ cho trẻ dưới 3 tuổi

Xin chào các bạn, đây là Radio Hiểu con – Yêu con của chuyên trang Embehanhphuc.vn – một tổ chức có
sứ mệnh thúc đẩy nhận thức của cha mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng và công chúng về trẻ thơ và năng lực
tiềm tàng của trẻ trong 6 năm đầu đời. Radio Hiểu con – Yêu con là một kênh Radio trả lời các câu hỏi
thực tế phát sinh trong những tình huống khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thông qua
việc phân tích tình huống và đi theo kim chỉ nam ‘dõi theo trẻ’ chúng tôi giúp phụ huynh thấu hiểu tâm
lý sau các hành vi, hoạt động của con trẻ và từ đó yêu con theo cách tôn trọng và nhân văn hơn. Để mái
nhà và cha mẹ sẽ luôn là tổ ấm của con trong suốt cuộc đời.
Embehanhphuc nhận được một câu hỏi từ bạn Huyền Trang, câu hỏi liên quan đến tình huống của em
bé trai 27 tháng tuổi: ‘Em có tìm hiểu và biết rằng theo bà Montessori, mỗi người cần nói một ngôn ngữ
thống nhất ở trong môi trường của trẻ. Em có mua sách tiếng Anh cho bé. Ban đầu chỉ nhằm cho bé xem
tranh đẹp và chỉ gọi tên sự vật bằng tiếng Việt. Nhưng nhiều lúc không cưỡng nổi những vần điệu hay
nên em vẫn đọc cho bé nghe (dù em phát âm không chuẩn). Các bài hát đơn giản và bài ru cũng tương
tự, thỉnh thoảng em hát cho bé nghe và bé rất thích. Nghe giọng bản xứ qua loa thì chưa thường xuyên,
vì em vẫn băn khoăn có ảnh hưởng gì tới việc phát triển tiếng Việt không. Trong trường hợp của em (bố
mẹ chỉ biết chút ít về Tiếng Anh và phát âm không chuẩn, môi trường không có người nói tiếng Anh cùng
bé) thì khi nào và như thế nào để giúp bé làm quen và học được Tiếng Anh? Rất mong được các cô tư
vấn giúp em.
 
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn về một chủ để được rất nhiều phụ huynh quan tâm trong thời hội
nhập ngày nay – Học Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Để trả lời câu hỏi của bạn, trước hết chúng
ta hãy tìm hiểu xem cách trẻ dưới 6 tuổi học ngôn ngữ như thế nào và có khác biệt gì với các độ tuổi lớn
hơn 6. Qua đó ta sẽ có những đường hướng cụ thể hơn để mang tiếng Anh đến với trẻ theo dạng thức
mà tâm trí trẻ dưới 3 tuổi có thể tiêu hóa và hấp thu được.
Trẻ dưới 3 tuổi sở hữu một dạng tâm trí đặc biệt với sức mạnh rất lớn lao đó là tâm trí thấm hút vô
thức. Tâm trí này sẽ thấm hút mọi thứ như miếng bọt biển thấm hút ngay lập tức khi được đặt vào một
tô nước. Miếng bọt biển này thấm hút mà không có sự lựa chọn, không có sự phân biệt và tâm trí trẻ
thơ cũng vậy, không lựa chọn tốt xấu, đúng sai, tích cực hay tiêu cực, không định kiến, thiên kiến, không
có bộ lọc… Những điều mà tâm trí trẻ thấm hút, sẽ trở thành da thịt, cơ bắp của tâm trí và định hình tâm
lý, trí tuệ của em. Sức mạnh vô thức này ở trẻ có thể được nhìn thấy rõ khi ta quan sát cách một em bé
học ngôn ngữ, không chỉ học một ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ mà mọi ngôn ngữ nếu nó hiện diện trong môi

trường của trẻ.
Nhờ tâm trí thấm hút, đứa trẻ này thấm hút các kích thích ngôn ngữ từ lúc 7 tháng trong bụng mẹ khi
thính giác của bé bắt đầu có thể ghi nhận được âm thanh. Khi em bé được ra đời, em bé quan sát mọi
thứ xảy ra xung quanh môi trường và sớm nhận ra những âm thanh êm dịu mà em ưa thích đó chính là
tiếng của con người và nó xuất phát từ miệng của mọi người. Vì thế em bắt đầu chủ đích nhìn vào khuôn
miệng của người khác để có thể bắt chước cách phát âm của những âm tiết trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Đến
tầm 8 tháng em mới nhận ra là những âm thanh này có ý nghĩa và em bé bắt đầu chủ động tìm kiếm ý
nghĩa của ngôn ngữ nói xung quanh em. Em thấm hút mọi thứ có nghĩa là em không chỉ thấm hút tên gọi
các vật, ý nghĩa của các từ, mà còn là cách tạo hình và phát âm các âm tiết, là cú pháp, ngữ điệu, thanh
điệu… Cứ từng bước như vậy em bé chinh phục thứ ngôn ngữ này và biến nó thành ngôn ngữ mẹ đẻ của
mình – có nghĩa ngôn ngữ này không chỉ dừng ở mức độ là công cụ giao tiếp mà nó là công cụ giao tiếp
mà em bé sử dụng thành thạo, chính xác đến mức nó là một phần cơ quan tâm lý của em, nó phản ánh
tâm hồn, văn hóa, suy nghĩ của em. Thứ ngôn ngữ này và em chính là một, và đó là lý do mà ta gọi nó là
Ngôn ngữ mẹ đẻ, mặc dù ngôn ngữ này không phải bẩm sinh, mẹ đẻ ra là đã có mà là do trẻ xây dựng
nên trong vài năm đầu tiên của cuộc đời.
Tâm trí thấm hút cũng giúp em bé này không chỉ học được 1 ngôn ngữ duy nhất mà học tất cả các ngôn
ngữ hiện diện sinh động, ổn định xung quanh em. Vì năng lực của tâm trí thấm hút là vô cùng mạnh mẽ,
em bé có thể học ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 thậm chí học cả 5, 6 ngôn ngữ một cách dễ dàng với điều kiện
những ngôn ngữ này được giới thiệu theo cách mà tâm trí của trẻ có thể thấm hút được. Cách học của
trẻ dưới 3 tuổi rất khác với cách học thông thường của trẻ lớn hoặc của người lớn chúng ta. Giai đoạn
này các năng lực tâm lý có ý thức chưa hình thành toàn bộ và còn mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện,
vì thế em bé không thể học theo cách học tiếng Anh của người lớn như là lên kế hoạch để tham gia một
giờ học, ngồi ổn định để lắng nghe giáo viên truyền đạt, ghi nhớ các cấu trúc, tập viết đi viết lại 1 từ
nhiều lần… Đây là cách học có ý thức của người lớn mà thôi. Trẻ trong nhóm tuổi này học tập theo cách
vô thức sử dụng tâm trí thấm hút của mình. Cũng như miếng bọt biển chỉ thấm hút được những thứ
nước mà nó được tiếp xúc, trẻ cũng chỉ thấm hút được những thứ mà trẻ có cơ hội tiếp xúc – những thứ
hữu cơ và sống động trong môi trường của trẻ. Và tiềm năng này là tự nhiên ở tất cả các trẻ chứ không
phải là năng lực đặc biệt ở một vài trẻ thiên tài như chúng ta vẫn nghĩ. Chỉ cần em bé gặp môi trường ưa
thích, tiềm năng này sẽ biến thành hiện thực, thành năng lực của em một cách rất kỳ diệu và cũng không
kém phần tự nhiên.
Vì thế để tận dụng sức mạnh của tâm trí thấm hút này, các ba mẹ có thể chủ đích tạo môi trường để trẻ

có cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Vậy cách nào là
cách giới thiệu ngôn ngữ thứ 2 đến trẻ mà tâm trí của trẻ thấm hút được? Embehanhphuc chia sẻ với
các phụ huynh một số gợi ý như sau:
 Điều đầu tiên: Ba mẹ cần cung cấp mục đích và động lực thực tế cho việc giao tiếp bằng tiếng
Anh: Có nghĩa là trong gia đình, mỗi người chỉ nói đúng 1 thứ ngôn ngữ. Nếu ba mẹ là người nói
tiếng Việt, hãy duy trì nói tiếng Việt. Nếu muốn trẻ giao tiếp bằng tiếng Anh, hãy đưa vào môi
trường một người nói tiếng Anh. Hãy ghi nhớ mục tiêu của chúng ta không phải là để trẻ nhớ
được vài ba từ vựng tiếng Anh mà là để có nền tảng vững chắc và tiếp xúc với tiếng Anh một
cách phù hợp với tâm lý của trẻ. Việc nói với con một vài từ tiếng Anh khi đọc sách không mang
đến một ý nghĩa thiết thực, một động lực bên trong cho trẻ để trẻ giao tiếp tiếng Anh. Bởi động
lực thúc đẩy trẻ cố gắng đi tìm ý nghĩa của các từ tiếng mẹ đẻ hay tiếng Anh là để giao tiếp với
những người hiện diện trong môi trường của em. Nếu em đã có tiếng Việt để nói chuyện, trao
đổi với người đó rồi thì rõ ràng trẻ không còn động lực tự phát với việc dùng tiếng Anh đúng
không ạ? Tiếng Anh trở thành thứ thật vô nghĩa để giao tiếp với cha mẹ – những người Việt Nam
chính hiệu. Trẻ không tư duy một cách có ý thức theo kiểu ‘À, mặc dù mẹ hiểu tiếng Việt, nhưng
tốt nhất là mình nói tiếng Anh với mẹ để luyện tập khả năng tiếng Anh của mình’. Trái lại, trẻ sẽ
có động lực học nói tiếng Anh nếu nó là một động lực hữu cơ xuất phát từ việc trẻ muốn giao
tiếp với một người mà người đó chỉ hiểu được trẻ khi trẻ nói thứ tiếng của họ mà thôi. Ngôn
ngữ chỉ đơn giản là công cụ để giao tiếp. Vì thế tạo ra cho con một mục đích thực tế của việc
giao tiếp bằng tiếng Anh là bước đầu tiên phải có để giúp trẻ dưới 3 tuổi chinh phục được công
cụ giao tiếp này. Chúng tôi khuyến khích gia đình đưa vào môi trường của trẻ một người nói
tiếng Anh. Nếu ba hoặc mẹ, hoặc ông hay bà là người nước ngoài thì rất đơn giản là người đó chỉ
cần nói tiếng Anh ổn định với trẻ. Còn nếu cả gia đình đều là người Việt Nam thì hãy tìm một
người bên ngoài đến nhà chơi với bé, giao tiếp, hoạt động, tương tác với bé và chỉ dùng hoàn
toàn tiếng Anh. Người này sẽ mất một thời gian để kết nối và tạo sự tin tưởng với bé, nhưng sau
giai đoạn kết nối này đứa trẻ sẽ có cơ hội thấm hút tiếng Anh một cách rất tự nhiên thông qua
các tình huống thực, thân thuộc trong gia đình. Ở các thành phố lớn, bạn rất dễ để tìm các giáo
viên bản ngữ cho những công việc như thế này. Nếu bạn ở những nơi mà khó tìm giáo viên bản
ngữ, bạn cũng có thể tìm các giáo viên tiếng Anh người Việt hoặc những sinh viên ngoại ngữ nói
tiếng Anh đến chơi với trẻ một số buổi mỗi tuần. Những giáo viên này không cần phải giỏi tiếng
Anh một cách xuất sắc bởi vì ngôn ngữ mà giáo viên sẽ dùng với trẻ trong giai đoạn này là rất
đơn giản, tình huống thân thuộc, ngữ pháp sơ khởi. Nhưng vì đứa trẻ đang trong giai đoạn nhạy

cảm với ngôn ngữ, nên chất lượng phát âm tiếng Anh của người giáo viên này là rất quan trọng.
Tiêu chí quan trọng nhất để chọn ra người giáo viên này là phát âm và ngữ điệu tự nhiên, càng
giống người bản ngữ càng tốt. Khi làm việc với các giáo viên này hãy trao đổi rất cụ thể với họ về
kỳ vọng của bạn và cách tiếp cận mà bạn muốn họ sử dụng. Người giáo viên này cần cam kết với
việc nói tiếng Anh hoàn toàn trước mặt trẻ, kể cả là khi nói chuyện với ba mẹ, ông bà, hàng xóm
trước mặt trẻ. Bạn không nên nói tiếng Anh với trẻ, nhưng sẽ rất tốt nếu như trẻ nhìn thấy bạn
cố gắng, nỗ lực trao đổi, giao tiếp với người giáo viên này bằng tiếng Anh cho dù tiếng Anh của
bạn không tốt. Người giáo viên này cũng không cần dùng bất kỳ giáo trình nào cả mà cần linh
hoạt tận dụng mọi đồ dùng, vật dụng trong gia đình, sử dụng mọi tình huống thực khi chơi đùa,
hoạt động với trẻ và lặp đi lặp lại các câu các từ liên quan đến tình huống nhiều lần. Các tiếp cận
của người giáo viên này cần phải tương tự cách chúng ta giúp đứa trẻ học nói khi đứa trẻ bắt
đầu biết bập bẹ một số từ đơn giản của tiếng Việt. Người giáo viên cần sống cùng, chơi cùng, và
gắn kết cùng trẻ như một người thân trong gia đình chứ không phải như một giáo viên trên bục
giảng. Nghe qua thì có vẻ bạn sẽ cần phải đầu tư khá nhiều, nhưng trên thực tế nếu so sánh với
việc đưa con đi các trung tâm Anh ngữ để con học theo cách của các trẻ lớn khi mà năng lực của
con chưa sẵn sàng thì phương án này là một phương án vừa kinh tế hơn nhiều lần và vừa hiệu
quả hơn nhiều lần. Còn nếu như bạn chưa có điều kiện để đi theo cách tiếp cận này, chúng tôi
thực sự khuyên bạn hãy đợi đến khi trẻ khoảng 5 tuổi hãy tiếp xúc với tiếng Anh. Bởi vì 5 tuổi
mới là thời điểm mà trẻ có thể đủ năng lực để theo một giờ học ngắn tiếng Anh như cách các
trung tâm tiếng Anh vẫn thực hiện trên thị trường. Khi đã có sự hiện diện của một người nói
tiếng Anh trong môi trường thì tần suất là một yếu tố quan trọng. Tần suất cũng là tiếp xúc càng
thường xuyên thì trẻ càng có khả năng thấm hút trọn vẹn. Nên nếu giáo viên có mặt trong môi
trường của trẻ càng nhiều lần trong tuần, mỗi lần thời lượng càng dài thì trẻ lại càng có cơ hội
để thấm hút càng tốt hơn.
 Thứ 2: Ba mẹ và những người trong gia đình cần tránh dùng lẫn lộn tiếng Anh và tiếng Việt trong
lúc đọc sách hay giao tiếp với trẻ. Bởi vì đứa trẻ chỉ học được tiếng Việt hay tiếng Anh thông qua
các tình huống hằng ngày lặp đi lặp lại và trong các tình huống đó người lớn chủ đích gọi tên, mô
tả… bằng ngôn ngữ một cách nhất quán, ổn định thì trẻ dần dần mới kết nối các trải nghiệm,
tình huống mà trẻ đang có với ngôn ngữ dùng cho tình huống đó. Việc một người lớn dùng lẫn
lộn tiếng Việt và tiếng Anh khiến trẻ bối rối. Với các bài hát thiếu nhi hoặc các khúc hát ru tiếng
Anh, nếu trẻ chỉ nghe bị động thì không hỗ trợ nhiều cho việc học tiếng Anh mà chỉ làm giàu vốn
âm nhạc của trẻ mà thôi. Nhưng nếu bài học tiếng Anh được giáo viên sử dụng một cách có chủ

đích để trẻ nghe cùng với các trải nghiệm khác như vận động, múa rối, tranh minh họa… thì có
thể là một hoạt động làm giàu vốn anh ngữ đầy hấp dẫn cho trẻ.
 Và cuối cùng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh đều được trẻ thấm hút qua các tình huống thực chứ
không thông qua việc mở loa hay xem các video. Những kích thích như mở loa hay video không
có hoặc có rất ít có sự tương tác chủ động, tự phát của trẻ nên sự tác động của chúng đến tâm
trí trẻ rất hạn chế. Tác động của việc mở loa hay xem video cũng giống như tác động của các đồ
chơi làm trẻ bận bịu (busy toys) – các đồ chơi này làm rất nhiều thứ, biểu diễn cho trẻ rất nhiều
thứ như là phát ra đủ loại âm thanh, chạy vòng vòng, hay bắn ra những chum sáng đủ màu. Khi
chơi những đồ chơi này có thể trẻ rất bị thu hút, vì đồ chơi đã làm hết nên trẻ chẳng làm gì cả và
vì thế không mang lại lợi ích, dấu ấn gì cho tâm trí của trẻ. Việc mở một cái loa nói tiếng Anh
trong nhà cũng chẳng khác gì tiếng ồn nền, chẳng mấy chốc tâm trí sẽ có cơ chế loại bỏ nó ra
khỏi sự chú ý của trẻ. Và vì thế thật khó để có thể kết luận rằng những thứ đó mang đến lợi ích
cho sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ những năm đầu đời. Ngôn ngữ nói cần được xây dựng trên
các trải nghiệm thật, khi trẻ đang có các trải nghiệm thật này thì chúng ta cần gọi tên, dán nhãn
cho nó và qua nhiều lần gọi tên lúc trẻ có trải nghiệm như vậy nhận thức của trẻ mới hiểu được
từ vựng đó, câu nói đó có ý nghĩa gì, truyền đạt điều gì… Ví dụ một em bé sau rất nhiều lần mẹ
nói rằng ‘Em đói rồi. Mẹ cho em bú nào!’ thì em bé mới hiểu được ý nghĩa của từ đói hay là bú.
Và sau một thời gian em bé mới nói ra ‘Mẹ, bú’ để đòi mẹ cho bú khi em đói. Các sự việc, hoạt
động thật được cha mẹ, giáo viên gọi tên, dán nhãn tên lặp đi lặp lại trong khi tâm trí trẻ đang
hướng sự quan tâm đến tình huống và đang tham gia và trải nghiệm tình huống chính là cơ sở
để trẻ xây dựng gia tài ngôn ngữ nói cho chính mình.
Chúng tôi hi vọng rằng những gợi ý này sẽ giúp lựa chọn được phương án mang tiếng Anh đến với môi
trường của con bạn một cách hữu cơ, sống động và giúp sự phát triển ngôn ngữ của bé đạt đến tiềm
năng mà mẹ tự nhiên đã trao cho bé ngay từ lúc sinh ra.
Em bé hạnh phúc xin kết thúc Radio số này tại đây. Nếu bạn có những bối rối và thắc mắc với con trẻ
trong gia đình, hãy email chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ: embehanhphucvn@gmail.com .Các bạn cũng
có thể truy cập vào website embehanhphuc.vn để tìm kiếm các bài viết đi theo triết lý ‘Dõi theo trẻ’, để
tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thơ trong giai đoạn xây dựng nền tảng nhân cách trong 6 năm đầu đời.
Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào thứ 3 tuần sau.

[Radio Hiểu con – Yêu con] Số 18: Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ khám phá

Xin chào các bạn, đây là Radio Hiểu con – Yêu con của chuyên trang Embehanhphuc.vn – một tổ chức có
sứ mệnh thúc đẩy nhận thức của cha mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng và công chúng về trẻ thơ và năng lực
tiềm tàng của trẻ trong 6 năm đầu đời. Radio Hiểu con – Yêu con là một kênh Radio trả lời các câu hỏi
thực tế phát sinh trong những tình huống khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thông qua
việc phân tích tình huống và đi theo kim chỉ nam ‘dõi theo trẻ’ chúng tôi giúp phụ huynh thấu hiểu tâm
lý sau các hành vi, hoạt động của con trẻ và từ đó yêu con theo cách tôn trọng và nhân văn hơn. Để mái
nhà và cha mẹ sẽ luôn là tổ ấm của con trong suốt cuộc đời.
Embehanhphuc nhận được một câu hỏi từ một phụ huynh 28 tuổi ở Trà Vinh, câu hỏi liên quan đến tình
huống của em bé trai 26 tháng tuổi: ‘Mình có 2 vấn đề về con mong đuoc EBHP tư vấn giúp:
Vấn đề thứ nhất: Bé nhà mình rất thích khám phá mọi thứ xung quanh, mình cũng tạo điều kiện cho con
thoải mái khám phá, nhưng có những món đồ điện tử như: máy lọc nước, tivi,tủ lạnh bé cũng thích khám
phá, hay thùng rác trong phòng bé thích cái nắp bật. Mặc dù vc mình đã nói chuyện phân tích có, la rầy
có, bắt phạt time out 10s có. Nhưng bé lại có phản kháng la hét và cố lại gần và chơi tiếp. Sau này khi
thấy bé chơi mình có kêu tên bé lớn xíu, bé biết hành động sai có chạy lại mình nhưng xíu xiu lại quay lại
đó chơi tiếp (mình cảm nhận bé biết là làm vậy ko đúng nhưng vẫn tò mò thích chơi).
Vấn đề thứ hai. Mình đang tập cho bé chuyển sang ăn cơm nên trong bữa ăn bé sẽ dùng muỗng nĩa hoặc
bé sẽ dùng tay bóc thức ăn ( bé ăn luôn ngồi trên ghé ăn) nhưng trong thời gian vui chơi của bé, bé thấy
vật gì nhỏ lại bóc bỏ vào miệng (đôi khi xe sách nhai) , cái gì nhai nuốt đc bé nuốt luôn ko thì bé lè ra. Vì
ở với ông bà nên ông bà không theo kịp để ngăn cản bé. Đồng thời, bé cũng hay ngặm đồ chơi ngậm tay
khi cảm thấy chán việc này ngay nên bé hay bị viêm họng. Rất mong EBHP cho mình xin ý kiến và hướng
để hỗ trợ bé nhà mình. Trân trọng cảm ơn Em bé hạnh phúc!.’
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi rất cụ thể của bạn cho radio số 18. Những biểu hiện mà bạn mô tả là những
biểu hiện hoàn toàn bình thường của các em bé lên 2. Chúng ta sẽ cần lo lắng nếu như em bé lên 2 của
chúng ta không có các biểu hiện khám phá như vậy, còn trong trường hợp này thay vì tìm cách thay đổi
hành vi của em bé, hãy hân hoan vì em bé của bạn đang thể hiện các dấu hiệu cho thấy rằng sự phát
triển tâm lý của em đang diễn ra thuận lợi và có những biểu hiện tương xứng với lứa tuổi của em. Vì thế
vấn đề mà embehanhphuc hôm nay sẽ giúp bạn đó là làm sao để tìm được cách ứng xử hài hòa để sống
được với nhà khoa học, nhà khám phá nhỏ tuổi này.

Em bé của bạn có vẻ là một em bé may mắn vì có được ba mẹ hiểu, ghi nhận nhu cầu khám phá và tạo
điều kiện cho các khám phá của em. Tuy nhiên như mọi hoạt động khám phá, nó đều tiềm ẩn các rủi ro
đối với đứa trẻ và đối với các đồ vật trong môi trường xung quanh trẻ. Và vì thế trẻ cần bạn để có thể
hiểu được điều gì là các giới hạn an toàn mà trẻ cần dừng lại trong quá trình học tập khám phá của
mình.
Để hỗ trợ trẻ điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ đó là: Trẻ chỉ có thể an toàn khám phá trong một môi
trường được chuẩn bị. Đây phải là một môi trường có đủ an toàn để bạn có thể trao tự do cho trẻ,
nhưng không an toàn tuyệt đối bởi trẻ cần có một số thử thách nho nhỏ, tương xứng cho sự phát triển
của mình. Môi trường an toàn tuyệt đối về căn bản là một môi trường buồn chán và không có các cơ hội
cho việc học tập. Bạn có thể tưởng tượng ra một cái lồng kính được tiệt trùng, nó an toàn tuyệt đối
nhưng cũng chính vì thế đứa trẻ không có kích thích cho khả năng tự giải quyết vấn đề, khả năng nhận
thức nguyên nhân hệ quả, sự tự tin của trẻ… Thế nên chúng ta cần tìm một điểm cân bằng. Chúng tôi gợi
ý bạn hãy kiểm tra lại môi trường ở các điểm như sau:
 Loại bỏ các đồ dùng không cần thiết trong gia đình. Những bàn ghế thừa, những hộp thuốc cũ,
những đồ lưu niệm không cần thiết, các thức ăn và đồ trong tủ lạnh mà không cần thiết… Hãy rà
soát và tinh giản môi trường của trẻ. Trẻ trong giai đoạn này cần không gian để vận động thô,
thế nên không gian của gia đình nên tạo điều kiện để trẻ di chuyển tự tin, thoải mái.
 Những đồ trong tầm tay của trẻ là những đồ trẻ có thể khám phá được. Những đồ bạn không
muốn con sờ vào hãy tìm một chỗ cất ngoài tầm tay của trẻ. Các đồ vật như điện thoại, remote,
chìa khóa, ví tiền, thuốc, hóa chất, rượu, dầu xoa bóp… nên được cất đặt ở một chỗ an toàn và
ngoài tầm với của trẻ, hoặc được đặt trong ngăn kéo có khóa. Như vậy bạn sẽ giảm thiểu được
việc phải nói không với trẻ hay phải can thiệp khi trẻ đã lỡ sử dụng các đồ dùng này.
 Kiểm tra những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ trong gia đình. Ví dụ: nước cọ bồn cầu, dao… cần được
cất đặt cẩn thận. Ổ điện thấp cần được dán kín lại, chỉ nên sử dụng các ổ điện ngoài tầm tay con
trẻ. Rèm cửa nên được loại bỏ trong khoảng thời gian này hoặc được gia cố an toàn chắc chắn.
Các loại cây cảnh có độc tố cần được loại bỏ ra khỏi môi trường.
Điều thứ 2: Hãy hướng trẻ đến những cách khám phá an toàn thông qua những hoạt động có mục
đích. Sau khi bạn rà soát môi trường như hướng dẫn chúng tôi có đề xuất trên đây, bạn sẽ thấy một số
đồ dùng trong môi trường có thể sẽ không an toàn tuyệt đối cho trẻ nhưng nếu hệ quả không nghiêm
trọng thì vẫn có thể để trong môi trường để sử dụng các vật đó như là một cơ hội để trẻ học cách sử
dụng đồ vật đúng mục đích và theo cách an toàn. Ví dụ như trong tủ lạnh, các đồ ăn tươi sống như thịt

cá nên được để trên ngăn đá, còn các thức ăn khác trẻ có lỡ cầm nắm, sờ, hoặc thậm chí ăn một chút
cũng không sao. Khi trẻ sử dụng các đồ này, chúng ta lặp đi lặp lại việc hướng dẫn cách sử dụng phù hợp
của đồ dùng đó. Ví dụ trẻ nào cũng sẽ thích khám phá cái quạt. Bạn không cần phải cất cái quạt đi nhưng
có thể hướng dẫn trẻ bật các nút công tắc. Nếu trẻ muốn xem cánh quạt thì ta rút điện ra và chỉ cho trẻ
thấy rằng chỉ khi quạt dừng thì mới xem cánh quạt được. Lý tưởng hơn, hãy tạo điều kiện cho trẻ được
khám phá quạt bằng cách ba mẹ có thể gỡ quạt ra cho trẻ xem, rồi để trẻ phụ ba mẹ việc lau cánh quạt
hoặc cọ rửa lau lồng quạt. Khi được điều hướng như vậy, trẻ vừa được thỏa mãn khuynh hướng khám
phá vừa được nuôi dưỡng vận động, ý chí, sự tập trung qua những hoạt động thực hành cuộc sống có
mục đích. Hoặc trong môi trường vẫn có thể có một số chậu cây cảnh nếu cây cảnh đó không có độc tố.
Ví dụ như cây ngũ gia bì, cây sung, cây ổi… là những cây cảnh mà nếu trẻ lỡ vặt lá ăn thì cũng không sao.
Chúng ta hướng dẫn trẻ tưới cho những cây hoặc xới tơi đất hoặc thu hoạch rau quả của những cây
này… Đừng lo lắng về việc trẻ bốc đất cát bỏ vào miệng. Trên thực tế những sự tiếp xúc tự nhiên với môi
trường xung quanh vừa là cơ hội để làm giàu các trải nghiệm cảm quan của trẻ, vừa giúp hệ miễn dịch
của trẻ có những kích thích tương xứng để rèn luyện. Trong một số tình huống, nếu có thể hãy cung cấp
những phương tiện an toàn hơn để trẻ khám phá. Ví dụ nếu trẻ rất thích cái thùng rác có nắp ở trong
bếp và bạn thì không ủng hộ bởi vì thùng rác ở nhà bếp rất dơ. Vậy thì hãy chuẩn bị cho trẻ 1 cái khác ở
góc hoạt động của trẻ hoặc ở ngoài sân. Khi mua về và đặt vào môi trường, hãy giới thiệu với trẻ ‘Mẹ
chuẩn bị cái thùng rác này ở đây, con xem cách dùng này’. Rồi để trẻ làm thử, hướng dẫn trẻ một số
hoạt động có dùng thùng rác như là lượm lá khô trong vườn bỏ vào thùng, chải tóc rồi nhặt tóc bám trên
lược bỏ vào thùng rác. Hãy cung cấp một mục đích cụ thể và hướng dẫn cách sử dụng phù hợp cho trẻ
với bất kỳ đồ vật nào trong gia đình. Khi nào trẻ dùng thùng rác nhà bếp để khám phá thì điều hướng trẻ
bằng cách nói ‘Con muốn dùng thùng rác à, con nhớ mình có thùng rác ngoài sân để con dùng không?
Con ra ngoài đó đi!’.
Điều thứ 3: Cách tiếp cận khi trẻ vượt các giới hạn an toàn. Trong những tình huống này, hãy tiếp cận
trẻ theo các bước như sau: Đầu tiên bạn tiến lại gần, ngồi xuống ngang tầm mắt trẻ. Sau đó bạn dán
nhãn tình huống, ví dụ ‘Quạt đang quay, nguy hiểm.’ Và tiếp theo đưa ra gợi ý thay thế ‘Con muốn bấm
số quạt, hay là mẹ gỡ ổ cắm để con sờ cánh quạt?’ Trao sức mạnh cho trẻ bằng cách đưa cho trẻ hai sự
lựa chọn phù hợp trong tình huống đó. Cuối cùng trong những tình huống mà trẻ không có sự lựa chọn,
hãy set giới hạn với thông điệp rõ ràng và với thái độ không cau có, không dọa nạt. Hãy như một người
dẫn đường đáng tin cậy cho trẻ. Bạn có thể nói như sau ‘Dao sắc, nguy hiểm. Mẹ cần lấy lại. Con muốn
tự đưa lại cho mẹ hay mẹ sẽ lấy nó từ tay con?’, hoặc ‘Đất là của cây. Mẹ không để con ăn đất được.
Không an toàn. Con nhè nó ra đây’ hoặc ‘Sách là để đọc, không phải để ăn. Con muốn mẹ đọc sách hay

muốn lại mở tủ lạnh tìm thứ gì đó để ăn’. Bạn sẽ cần lặp lại, và lặp lại không mệt mỏi cho đến khi trẻ
hiểu được những giới hạn này. Bạn cần phải hành động để follow up tình huống hoặc theo sát trẻ để
đảm bảo các giới hạn an toàn được duy trì một cách nghiêm túc, và qua đó trẻ nhận ra được sự nhất
quán giữa thái độ, lời nói và hành động của bạn. Trẻ 2 tuổi mới bắt đầu hình thành trí tuệ, và trí tuệ hay
nhận thức của trẻ chỉ có thể được làm giàu nhờ những trải nghiệm thật trong cuộc sống của trẻ, tạo
điều kiện cho trẻ trải nghiệm hệ quả, tự giải quyết vấn đề. Hiểu biết rằng cuộc sống có những giới hạn
riêng của nó để đảm bảo sự an toàn của con người, đó là một hiểu biết trẻ chưa có ngay từ ban đầu và
phải được xây dựng thông qua các tương tác được cha mẹ gọi tên và phản ứng theo một cách hợp logic
và nhất quán.
Điều thứ 4: Những điều tuyệt đối cần tránh. Khuynh hướng khám phá của trẻ là biểu hiện của khuynh
hướng chung, mạnh mẽ thuộc về bản chất con người mà ai cũng có. Một con người thể hiện các hành
động khám phá là một trong những biểu hiện cho thấy rằng đó là một con người có tâm trí lành mạnh,
tự do và ý chí mạnh mẽ. Đây là những biểu hiện đầu tiên của việc học tập tự nhiên của trẻ thơ, vì thế
cách bạn phản ứng với các biểu hiện của trẻ có thể duy trì, thổi bùng lên hay ngược lại cũng có thể dập
tắt ngọn lửa tò mò, hiếu kỳ, háo hức học tập vốn đã có sẵn trong trẻ. Đặt biệt khi trẻ ở độ tuổi lên 2, trẻ
tiếp xúc với mọi thứ và bắt đầu xây dựng nhận thức về mọi thứ mà trẻ đã thấm hút từ lúc trẻ ra đời, vì
thế hãy cẩn trọng với những thông điệp bạn gửi đến trẻ. Tuyệt đối tránh việc giải thích, phân tích, thuyết
phục lòng vòng, cặn kẽ, chi tiết mà trí tuệ non trẻ của bé không thể nào hiểu được. Trẻ có thể ra chiều
gật đầu nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ hiểu. Hãy nói ngắn gọn, dán nhãn sự việc bằng ngôn ngữ
chính xác không cường điệu, hãy thẳng thắn về kỳ vọng của bạn và nói rõ ràng điều bạn muốn trẻ làm
như một số ví dụ chúng tôi đưa ra phía trên đây. Hãy tập trung vào việc giúp trẻ để trẻ hiểu được cuộc
sống và thế giới vật lý xung quanh trẻ, chứ không nên đặt nỗ lực vào việc điều chỉnh hành vi của trẻ.
Chính vì thế tuyệt đối không time out trẻ, không phạt trẻ, không bắt trẻ trải nghiệm các hệ quả không
liên quan đến hành động hoặc chịu các hệ quả quá sức với khả năng của trẻ. Trẻ chỉ mới là một em bé
lên hai, ngây thơ và hào hứng học hỏi về thế giới để có thể thích nghi được với cuộc sống xung quanh.
Vậy theo bạn, trẻ có nên bị phạt chỉ vì đang học tập? Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn những nguy cơ tiềm
ẩn mà time out và các hình thức phạt tác động lên tâm trẻ, bạn có thể lắng nghe thêm radio số 8, và tìm
đọc thêm bài viết ‘Thưởng và phạt – Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng’ trên website
embehanhphuc.vn . Chúng tôi hi vọng những giải pháp trên đây sẽ giúp bạn và nhà khoa học nhỏ sống
hài hòa với nhau trong những năm ấu thơ ngắn ngủi này, và nhờ vậy em bé của bạn sẽ lớn lên và trở
thành một con người háo hức với tri thức, với một tâm hồn và tâm trí rộng mở trong tương lai không xa.

Em bé hạnh phúc xin kết thúc Radio số này tại đây. Nếu bạn có những bối rối và thắc mắc với con trẻ
trong gia đình, hãy email chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ: embehanhphucvn@gmail.com .Các bạn cũng
có thể truy cập vào website embehanhphuc.vn để tìm kiếm các bài viết đi theo triết lý ‘Dõi theo trẻ’, để
tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thơ trong giai đoạn xây dựng nền tảng nhân cách trong 6 năm đầu đời.
Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào thứ 3 tuần sau.

[Radio Hiểu con – Yêu con]  Số 17: Hệ quy chiếu của trẻ thơ

Xin chào các bạn, đây là Radio Hiểu con – Yêu con của chuyên trang Embehanhphuc.vn – một tổ chức có
sứ mệnh thúc đẩy nhận thức của cha mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng và công chúng về trẻ thơ và năng lực
tiềm tàng của trẻ trong 6 năm đầu đời. Radio Hiểu con – Yêu con là một kênh Radio trả lời các câu hỏi
thực tế phát sinh trong những tình huống khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thông qua
việc phân tích tình huống và đi theo kim chỉ nam ‘dõi theo trẻ’ chúng tôi giúp phụ huynh thấu hiểu tâm
lý sau các hành vi, hoạt động của con trẻ và từ đó yêu con theo cách tôn trọng và nhân văn hơn. Để mái
nhà và cha mẹ sẽ luôn là tổ ấm của con trong suốt cuộc đời.
Embehanhphuc nhận được một câu hỏi từ một phụ huynh 33 tuổi từ Hồ Chí Minh: ‘Hiện em có một bé
trai 32 tháng tuổi, vì nghỉ dịch nên trong tuần phải chia ra để gửi con sang nhà ông bà nội và ông bà
ngoại. 2 ngày con ở nội, 3 ngày ở ngoại, và thứ 7, chủ nhật sẽ ở nhà với ba mẹ. Vấn đề em gặp phải là
con rất hứng thú khi sang nhà ngoại, còn sang nội thì con không chịu đi, dù tới nhà nội tầm 15’ sau con
sẽ chơi vui vẻ. Vì con là cháu đầu nên cả hai bên ông bà ngoại nội đều rất cưng và yêu thương con nhưng
em không hiểu tại sao con lại không chịu sang nội. Và bà nội là người chăm sóc chính, cho con ăn, ngủ và
ông nội thì ít khi chơi với con hơn nhưng con lại quý ông nội hơn bà nội. Và gặp bà nội cũng không chịu
chào nên mình phải làm tư tưởng trước đó cho con, thậm chí phải ép lắm thì con mới chịu chào bà. Vì là
bé đầu nên em chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con, và có những điều ở con mà em cảm
thấy rất khó hiểu, ví dụ như: – Con sợ em bé nhỏ hơn mình – Sợ bong bóng xà phòng, thấy là hét lên và
khóc, đi Thảo Cầm Viên thấy người khác thổi bong bóng cũng sợ. Mẹ có mua về 1 hộp tập chơi nhưng bé
xa lánh. – Sợ 1 vài người như phụ nữ lớn tuổi – đứng từ xa là bé đã không thích dù chưa bao giờ tiếp xúc,
sợ ông già Noel… Mong radio có thể chia sẻ các ý kiến cũng như kinh nghiệm với tình huống mà em gặp
phải ạ!.’
Cảm ơn câu hỏi của bạn, chúng tôi cảm nhận được những bối rối với những tình huống nhỏ nhặt hằng
ngày của trẻ khi bạn lần đầu tiên làm mẹ. Đây là những bối rối thường có khi con lên 2, 3 tuổi, thời điểm
con trẻ của bạn bắt đầu tiếp xúc sâu sắc hơn với thế giới bên ngoài. Đồng thời trí tuệ và trí nhớ có ý thức
mới sơ khởi hình thành khiến trẻ bắt đầu có những so sánh, nhận định, chính kiến đầu tiên về các trải
nghiệm mà trẻ có về thế giới bên ngoài. Đây là độ tuổi tuyệt vời khi trẻ thực sự háo hức khám phá thế
giới rộng lớn hơn ngôi nhà của em. Nếu như 2 năm đầu tiên, mối quan tâm lớn nhất của trẻ chỉ xoay
quanh cha mẹ và ngôi nhà của em, chỉ xoay quanh việc luyện tập để chinh phục vận động đi đứng, cầm
nắm và học nói tiếng mẹ đẻ, thì từ năm thứ hai trở đi, với những năng lực đã được hình thành, trẻ bắt
đầu dùng các năng lực đó để đi ra và tìm hiểu thế giới. Trẻ bắt đầu có ý thức về các trải nghiệm trẻ đang

có, trẻ bắt đầu xây dựng chính kiến, trẻ bắt đầu thể hiện rõ ý thích, tự khẳng định bản thân trong các
tình huống hằng ngày như bạn đã miêu tả: trẻ thích chào người này và không thích chào người kia, trẻ
thích đến chỗ bà ngoại này nhưng lại phản ứng dữ dội khi đến chỗ bà nội, trẻ sợ một số thứ mà có vẻ rất
vô lý như là sợ bóng bay, sợ em bé nhỏ… Sẽ có vô số các biểu hiện như vậy của trẻ lên 2, 3 tuổi, thời
điểm mọi người thường gọi là Khủng hoảng tuổi lên 2, khủng hoảng tuổi lên 3. Thực chất đây là các biều
hiện của Khủng hoảng tự khẳng định. Để hiểu thêm về cách cùng con vượt qua khủng hoảng này và
mang lại những lợi ích tốt nhất cho sự phát triển của con trẻ, mời bạn nghe thêm Radio số 6 nhé.
Và chính vì tầm quan trọng như vậy của các trải nghiệm trong độ tuổi này, thái độ và cách phản ứng của
người lớn chúng ta sẽ có ảnh hưởng đến thái độ của trẻ khi tiếp xúc với các trải nghiệm, các khó khăn và
thử thách mà trẻ gặp phải sau này. Liệu phản ứng của chúng ta có khiến trẻ trở nên e dè, cảnh giác, sợ
hãi, nghi ngờ khi tiếp xúc với cuộc sống, hay chúng ta đang khuyến khích, động viên, hỗ trợ, làm điểm
tựa cho một tâm hồn tự do, háo hức với thử thách.Một lý do chính khiến phụ huynh không đồng điệu
với trẻ trong gian đoạn kỳ diệu này trong cuộc đời trẻ là vì, người lớn không đặt mình vào hệ quy chiếu
của trẻ. Chúng ta thường không nhìn nhận mọi thứ từ góc nhìn của trẻ, không đánh giá từ cấp độ tư duy
của trẻ, vì thế ta không hiểu các biểu hiện cảm xúc mãnh mẽ, dữ dội của trẻ. Ví dụ như khi trẻ không
chịu chia sẻ một cái ô tô đồ chơi cho người bạn hàng xóm thì chúng ta la rầy trẻ rằng ‘Con có mấy cái ô
tô lận, chia bớt cho bạn đi chứ. Như vậy là ki bo đấy’. Những lúc đó bạn có nghĩ rằng, chiếc ô tô trong hệ
quy chiếu của trẻ cũng quý giá như là một cái vòng vàng, kim cương hay giấy tờ nhà đất trong hệ quy
chiếu của bạn. Bạn có cho hàng xóm cái nhẫn kim cương của bạn không, kể cả là bạn có đến cả mấy cái
như vậy? Và một người lớn có được coi là ky bo không nếu không chịu chia sẻ cho người khác chiếc xe
sang chảnh thực sự của mình.
Bây giờ hãy thảo luận các tình huống mà bạn gặp phải hoặc các tình huống tương tự để chúng ta thử
xem xét lại tình huống đó từ hệ quy chiếu của trẻ nhé.
Trong những ngày đầu đưa con đến lớp, hoặc đến một chỗ khác lạ nào đó như nhà ông bà hay nhà một
cô giáo mà ba mẹ gửi con, điều đương nhiên là trẻ sẽ phản ứng, mức độ có dữ dội hay không là tùy
thuộc vào tính khí của trẻ và mức độ ba mẹ chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước trải nghiệm đó. Đôi khi ta sẽ
nói những câu như ‘Có gì đâu mà khóc. Ba mẹ chỉ đi làm thôi mà’ hay ‘Ông bà cưng chiều con mà. Ở đây
cái gì con cũng có nè.’ hoặc là ‘Đi học thôi chứ có gì ghê đâu mà khóc!’… Những câu nói đó thể hiện bạn
đang không ở cùng hệ quy chiếu của trẻ để nhìn nhận sự việc. Trong hệ quy chiếu của trẻ, ba mẹ là duy
nhất, là mỏ neo, là cả thế giới với trẻ, thế nên có gì đau khổ, tuyệt vọng hơn khi phải chia tay ba mẹ. Hãy
tưởng tượng khi bạn đang có mối tình đầu, bạn lại phải chia tay người bạn yêu vì người yêu của bạn đi

học nước ngoài hay đi công tác xa 1 năm nữa mới về. Bạn có cảm thấy buồn không, có cảm thấy thế giới
đang dừng lại hay không, cảm xúc của bạn lúc đó có lớn lao hay không, có phải lúc đó dường như chẳng
có gì quan trọng hơn việc bạn đang phải chia tay người thương đúng không ạ? Đứa trẻ này cũng vậy,
đừng coi nhẹ cảm xúc của bé vì một điều người lớn coi là nhỏ nhặt. Trẻ chưa hình dung được thời gian,
chưa có trải nghiệm lặp đi lặp lại để hiểu được là sau 1 ngày ba mẹ sẽ quay lại, chưa hiểu được tầm quan
trọng của việc ba mẹ phải đi làm. Đứng từ hệ quy chiếu của mình đứa trẻ chỉ biết rằng người mà trẻ vô
cùng yêu thương đang bỏ trẻ lại ở một nơi xa lạ, với một người xa lạ… Khi ta nhìn được như vậy, ta sẽ
thấy đồng điệu và đồng cảm với trẻ hơn. Đồng thời nó cũng đưa ra các hướng dẫn để ta có sự chuẩn bị
tâm lý tốt hơn để trẻ có chuyển tiếp mịn màng hơn với những trải nghiệm này. Hoặc tương tự như vậy
trong trường hợp của bạn, con không muốn sang nhà ông bà nội. Bạn nên đặt mình xuống tương xứng
với con và cố gắng hiểu điều con muốn nói. Khi bạn nhận định rằng cả nhà ngoại và nhà nội đều cưng
chiều, và yêu thương con – đó là một nhận định của người lớn, không phải là nhận định từ hệ quy chiếu
của trẻ. Trẻ có những cách cảm nhận về thế giới một cách rất tinh khiết mà không bị che phủ bởi những
lý lẽ thông thường như ông bà thì thương yêu con, con phải coi 2 bên nội ngoại là như nhau chứ. Vì thế
thay vì phủ nhận các cảm xúc của bé, hãy cố gắng quan sát để hiểu cảm nhận của bé. Có những em bé sẽ
không thích đến một nơi nào đó vì ở đó có một người thường kéo quần bé bóp đít chẳng hạn. Hoặc có
em bé thì vô cùng sợ hãi vì đã từng bị người lớn nào đó dọa dẫm. Thậm chí những người thường cưng
chiều bé chưa chắc đã là những người tạo kết nối tin tưởng với bé, và vì thế có thể bé thích kẹo bánh
người đó cho nhưng chưa chắc đã thích ở bên người đó trong một thời gian dài. Hãy quan sát cách từng
người trong gia đình phản ứng, giao tiếp, đối xử với bé trong các sinh hoạt ăn ngủ, tắm rửa hằng ngày,
các tình huống khó khăn khi trẻ ăn vạ, trẻ đòi hỏi, trẻ gào khóc… khi trẻ bày tỏ ý kiến, trẻ yêu cầu, trẻ
cần trợ giúp… Bạn sẽ có nhận định sâu sắc hơn về nguyên nhân của những biểu hiện trẻ đang cho bạn
thấy. Và đừng phủ nhận, đừng coi nhẹ các biểu hiện đó của con. Nếu bạn chưa xác định được nguyên
nhân hoặc chưa giải quyết được thì điều trước hết bạn có thể làm cho con đó là công nhận các cảm xúc
phức tạp, mạnh mẽ mà con đang có.
Chúng ta sẽ xem xét một ví dụ điển hình khác về nỗi sợ của trẻ thơ. Hầu như các trẻ đều trải qua một vài
nỗi sợ trong hành trình lớn lên của mình. Có trẻ thì sợ sợ ma, sợ chó dữ – đây thường là nỗi sợ được
người lớn chấp nhận vì nó có vẻ có lý khi đặt trong hệ quy chiếu của người lớn. Nhưng cũng có trẻ sẽ sợ
những thứ có vẻ rất vô lý như sợ bướm, sợ tắc kè hay sợ bóng bay như trường hợp của bé nhà bạn.
Những nỗi sợ kiểu này có vẻ rất khó chấp nhận bởi nó có vẻ phi lý khi đặt trong hệ quy chiếu của người
lớn. Để thực sự đồng điệu được với bé, hãy thử nhìn nhận nỗi sợ này dựa trên việc đặt bạn vào hệ quy
chiếu của trẻ thơ. Thực ra trẻ có thể có nhiều trải nghiệm mà ba mẹ không có mặt ở đó để có thể hiểu

được tại sao trẻ lại sợ vật đó. Ví dụ trẻ có thể đã từng cầm 1 quả bóng bay căng phồng và nó nổ đùng
ngay trước mặt trẻ, và từ sau đó trẻ trở nên rất sợ hãi về nó. Hoặc 1 trẻ khác có thể đã từng bị dọa là tắc
kè là sẽ cắn ngón tay các em bé, và từ đó trở đi trở nên bấn loạn mỗi lần nghe thấy tiếng tắc kè. Thậm
chí có một số nỗi sợ xuất hiện mà không thèm có lý do và đơn thuần ngồi chễm chệ trong tâm trí trẻ như
vậy. Điều chúng ta cần làm là công nhận các nỗi sợ hãi đó trong con. Chúng ta không nên bỏ thêm dầu
vào lửa bằng cách xử lý tình huống một cách hốt hoảng, điều sẽ cũng cố thêm nỗi sợ cho trẻ. Ví dụ nếu
trẻ sợ bướm khóc thét lên khi thấy một con bướm đậu lên người, vậy mà ta lại cũng nhảy bổ về phía
con, đập, gạt con bướm ra một cách dữ dội thì chính hành vi của ta đang củng cố lại nỗi sợ của con, làm
cho nỗi sợ này lại càng khó rời bỏ em bé của chúng ta. Thái độ của bạn trong những trường hợp này là
nên ghi nhận nhưng không pha trộn thêm cảm xúc của người lớn vào. Hãy nói chuyện với trẻ một cách
trung tính để giúp trẻ tiêu hóa được những cảm xúc dậy sóng trong lòng trẻ, ví dụ chúng ta nói với con
‘Con chó to nó lại gần con làm con sợ hả?’ hoặc ‘Con nghe tiếng tắc kè phía bên kia nên con không muốn
lại đó!’ ‘Con không muốn lại gần em bé đúng không?’ ‘Chú kia thổi bóng bay mà mẹ thấy con không
thích hả’. Nếu trẻ cần được ôm ấp để trấn an thì ta ôm con nhẹ nhàng. Tránh việc phù nhận nỗi sợ của
con bằng những lời nói như ‘Con bướm nhỏ thôi, có gì đâu mà sợ’ hay ‘Bóng bay đẹp vậy mà cũng sợ’.
Và cũng tuyệt đối tránh việc dọa nạt con bằng cách gieo nỗi sợ như nhiều người vẫn hay làm để điều
chỉnh hành vi của con, ví dụ như ‘Im lặng đi chú công an đến kìa’, ‘Nói láo là ông táo bẻ răng đấy’…
Thường theo thời gian, cùng với sự tăng lên của các hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh, thì các nỗi
sợ này rồi cũng sẽ biến mất, và biến mất theo cách không gây tổn thương và không tạo ra vùng tối cho
nội tâm của con. Còn nếu chúng ta càng cố gắng phủ nhận nỗi sợ của trẻ, coi nỗi sợ đó là ngỡ ngẩn,
thậm chí một số phụ huynh có thể còn dùng lời lẽ dọa nạt để buộc trẻ kìm nén nỗi sợ trẻ đang có, thì sẽ
khiến tình hình càng tệ hơn với trẻ.
Bạn cũng không nên vì trẻ sợ bóng bay mà lại mua nhiều bóng bay về nhà vì nghĩ rằng như vậy sẽ giúp
trẻ vượt qua nỗi sợ bóng bay. Hoặc có một số người vì con sợ bơi nên lại càng hay dẫn con đi bơi để con
dạn, và khi đến hồ bơi lại ra sức thúc đẩy con xuống bơi mặc dù trẻ đã biểu hiện ra sự khó chịu rất rõ
ràng. Nếu thực sự bạn hiểu và tôn trọng nỗi sợ của con thì bạn nên thể hiện sự đồng cảm, không chỉ
trong lời nói mà còn trong sự lưu tâm khi cân nhắc đến những thứ mua về nhà, những nơi trẻ sẽ đến,
những người trẻ sẽ gặp. Nếu trẻ không thích ông già Noel, mình khuyên bạn trong khoảng 1, 2 năm tới
chưa nên đưa trẻ đến các không gian có ông già Noel to béo, khổng lồ. Trẻ có cả đời để tiếp xúc đến ông
già Noel, tại sao phải tiếp xúc ngay lúc trẻ đang sợ. Và nếu cả đời trẻ không thích ông già Noel thì cũng
có sao đâu? Nếu trẻ không thích bóng bay, đừng chủ đích mua bóng bay về nhà. Nếu trẻ còn sợ trẻ sơ
sinh, nên tránh đưa trẻ đến nhà bạn bè có trẻ sơ sinh… Trẻ có thể vẫn tiếp xúc với những thứ này trong

đời sống hằng ngày của trẻ như khi đi siêu thị, ra công viên, sang nhà hàng xóm. Nhưng đó là những trải
nghiệm mà chúng ta không chủ đích tạo ra, và điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng ta đừng
chủ đích, đừng nỗ lực giúp con vượt qua những điều trẻ sợ bằng cách mang nó đến ngay trực diện cho
trẻ. Thay vì thế, bạn có thể mua các cuốn sách, kể các câu chuyện có các chi tiết này và thảo luận với bé
những điều liên quan và lắng nghe bé bộc bạch các tâm sự của bé. Ví dụ bạn có thể đọc cho bé cuốn
sách Martin chăm sóc em bé, và sau khi đọc thì đặt các câu hỏi gợi mở để trẻ nói lên các suy nghĩ của
mình về nội dung trong sách. Sau một thời gian dài có thể thận trọng cho trẻ có lại các trải nghiệm đó
với tần suất và liều lượng từ từ. Trong quá trình cho trẻ tiếp xúc lại thì quan sát phản ứng của trẻ. Kiểu
tư duy của người trưởng thành rằng phải vượt qua nỗi sợ, phải đối diện với nỗi sợ và chinh phục nó,
kiểu tư duy này chỉ đúng khi trẻ đã có đủ hiểu biết và có đủ ý chí để đối diện và vượt qua. Trong 6 năm
đầu đời khi trẻ đang xây dựng hiểu biết về thế giới xung quanh, xây dựng cảm xúc và ý chí của mình thì
không nên thử thách trẻ như vậy. Hãy tạo những trải nghiệm tin cậy, bình yên để xây dựng nội tâm
mạnh mẽ của trẻ thì khi lớn lên nội tâm mạnh mẽ này sẽ giúp trẻ có thể vượt qua được những khó khăn,
thử thách thực sự mà trẻ gặp trên đường đời.
Em bé hạnh phúc xin kết thúc Radio số này tại đây. Nếu bạn có những bối rối và thắc mắc với con trẻ
trong gia đình, hãy email chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ: embehanhphucvn@gmail.com .Các bạn cũng
có thể truy cập vào website embehanhphuc.vn để tìm kiếm các bài viết đi theo triết lý ‘Dõi theo trẻ’, để
tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thơ trong giai đoạn xây dựng nền tảng nhân cách trong 6 năm đầu đời.
Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào thứ 3 tuần sau.