Cái nắm tay

Bài viết của Embehanhphuc

27/06/2023

Cùng với tiếng khóc, phản xạ nắm tay là sự đánh dấu giây phút gặp gỡ của trẻ với thế giới – giây phút chào đời. Phản xạ nắm tay, tuy rằng là một phản xạ nguyên thủy và hoàn toàn vô thức, nhưng dường như cái nắm tay đầu đời vô thức này lại là thể hiện của một sự phó thác và tin tưởng tuyệt đối của mỗi con người sơ sinh với thế giới con người. Thế giới có đón nhận em hay không, em chưa biết, nhưng em đón nhận thế giới, em nắm lấy ngón tay của bất kỳ ai đặt vào lòng bàn tay của em. Tin tưởng và thuận lòng với đời sống là bản chất nguyên thủy của con người.

Khi lớn lên, đôi bàn tay luôn thể hiện những sự phong phú của đời sống tâm lý của con người:

Trong đời sống tâm linh/tinh thần, chúng ta khoanh tay lại khiêm nhường và phó thác hoàn toàn cho thượng đế trong những buổi cầu kinh, chúng ta vươn đôi tay lên để tìm kiếm sự cứu rỗi trong lúc tuyệt vọng.

Trong đời sống tình cảm, chúng ta có những cái đan tay ngập ngừng với mối tình đầu, chúng ta giật vội bàn tay trong cơn giận, rồi qua bao nhiêu giận hờn, thương nhớ, chúng ta cùng nhau đứng trước người làm chứng và chìa bàn tay ra để đón nhận chiếc nhẫn cưới từ bàn tay bên kia– như một biểu tượng cho một sự tự nguyện được ràng buộc, được ở trong nhau trọn đời.

Trong đời sống trí tuệ, đôi tay luôn khám phá và mang đến nguyên liệu cho trí tuệ, đồng thời theo chiều ngược lại, đôi tay là công cụ để thực hiện mệnh lệnh của trí tuệ.

Trong đời sống xã hội, những ngón tay mở ra, thả lỏng và hướng ra ngoài rồi nắm bàn tay kia một cách nồng ấm để chào đón, để thể hiện thiện chí và sự hợp tác, cũng những những ngón tay ấy, nhưng khi co bó lại, trở thành nắm đấm của sự đối kháng, hận thù.

Trong mối quan hệ cha mẹ và con cái, chúng ta chạm nhẹ bàn tay vào má, vào tóc để thể hiện sự yêu thương, cưng chiều của người chăm sóc, nhưng cũng bàn tay ấy có thể đét thật mạnh vào mông em bé để thể hiện sự tức giận, áp đặt, kiểm soát của người cầm quyền.

Trong giáo dục, đôi bàn tay lại càng nói lên nhiều điều. Khi quan sát một lớp học, chỉ cần bạn quan sát cách người giáo viên nắm tay của trẻ thì đã có thể đọc được nhiều điều ẩn sâu trong đó. Bàn tay người giáo viên chìa ra trao sự lựa chọn, và một đứa trẻ đã đủ trải nghiệm để tin tưởng người lớn này, cũng sẽ thuận lòng nắm lấy bàn tay to lớn vững chải ấy. Người giáo viên cũng chỉ chìa ra 1 ngón để tương xứng với cái nắm tay của con người nhỏ bé trước mặt cô. Một cái nắm tay tự nguyện là biểu hiện của sự tin tưởng, sự phó thác và đón nhận tất cả những điều tốt đẹp mà cô sẽ mang đến cho con cho dù đó là một hoạt động, một sự nhắc nhở hay một bài học.

Cũng là cái nắm tay, nhưng nếu không dựa trên nền tảng của sự thuận lòng, tự chủ này, nó sẽ trở thành áp đặt. Người giáo viên nắm vội bàn tay của trẻ vì không đủ kiên nhẫn để chờ đợi cho sự tự nguyện được khởi sinh. Giáo viên kéo tay trẻ và lôi trẻ đi trong vô vàn ý định và kỳ vọng của mình mà thiếu đi sự quan tâm đến ý muốn và hứng thú của đứa trẻ. Và với mọi sự dạy dỗ, nếu không khởi phát từ lựa chọn, thuận lòng của người học, đó chỉ là bạo lực dưới danh nghĩa giáo dục. Không cần phải đợi đến khi trẻ vào lớp 1, chính thức mài đũng quần trên ghế nhà trường, trẻ đã học từ ngay những ngày đầu tiên của cuộc đời dưới mái nhà của trẻ, dưới mái trường mầm non. Những cái nắm tay tự nguyện đầu đời này mà trẻ trao cho những người hướng dẫn đầu tiên (dù là cha mẹ, hay thầy cô trong trường mầm non) đều là hình mẫu đầu đời và sẽ trở thành động lực để trẻ thực hiện việc học tập trọn đời. Và chỉ có học tập tự nguyện thì mới là học tập trọn đời bởi vì đó là học tập để khai phóng bản thân, còn mọi sự học tập bắt buộc sẽ luôn chỉ diễn ra trong một phần đời nào đó và với mục đích hạn hẹp nào đó mà thôi.

Hãy chìa bàn tay ra, và để trẻ nắm vào, khi đó bạn đang xoay chuyển từ giáo dục lấy người lớn làm trung tâm sang đặt trẻ làm trung tâm của sự giáo dục ấy.

– Trần Mai Thúy –

Giáo viên Montessori 0-6 được đào tạo bởi IMC & AMI

Những bài viết khác…

Bình thường hóa

Bình thường hóa

Nhân dịp sinh nhật của bà Maria Montessori (31 tháng 8, 1870), Embehanhphuc xin gửi tặng các ba mẹ, nhà giáo dục, giáo...

0 Lời bình