Tận tay, tận tâm chọn sách cho con

Bài viết của Embehanhphuc

09/05/2023

Đây là một trong những đầu sách yêu thích của mọi thành viên nhà Mối Mọt. Có nghĩa là loại sách mà người được đọc cho thì chắc chắn thích và đòi đọc cả mấy chục bận, và người phải đọc mấy chục bận thì cũng hạnh phúc không kém vì ‘phải đọc’ cuốn sách hay thế này. Thế nên chọn sách cho con thì phải chọn cuốn nào thật hay để mình cũng được ‘sướng’ khi đọc cho tụi nó. Không phải ai cũng để tâm đến việc sách nào là hay, sách nào đáng để yêu, vậy mà cứ muốn con trẻ hay đọc, và yêu sách. Mâu thuẫn quá!

Sách cho trẻ nhỏ, không cần nhiều, mà cần chất lượng. Rõ ràng là trẻ nhỏ không cần cả trăm cuốn sách trong nhà làm gì. 10 cuốn mà hay thì còn hơn cả 100 cuốn 3 xu. Không chỉ sách mà cả nhạc, thơ, truyện, trải nghiệm cho trẻ thơ nói chung đều vậy, 10 tác phẩm hay thì giá trị hơn nhiều lần so với cả 100 thứ kém chất lượng. Những thứ tốt đẹp từ 10 cuốn sách hay sẽ ở với trẻ trọn đời, thì cái tai hại 100 cuốn sách dở để lại cho trẻ cũng trọn kiếp. Vì thời gian của con trẻ ngắn ngủi lắm. Đời người được mấy lần đầu đời – có mỗi một lần, mà một lần đầu đời đó thì chỉ kéo dài có vài năm bọ. Mà trong vài năm đó, mỗi ngày tụi nó đã bận rộn với bao nhiêu thứ kiểu như phải nhìn ngó một đàn kiến qua đường, phải khám phá vũng nước mưa, phải đi lượm lá rụng, phải trượt cầu trượt 20 lần, phải đuổi nhau với người bạn hàng xóm, phải giận nhau mười lần và làm lành chục bận… Đó là chưa kể bao nhiêu trách nhiệm thiết yếu khác với sự sống như ăn, ngủ, vệ sinh, tắm rửa… Haizzzzzzzzz bận rộn là vậy nên mỗi ngày tụi nhỏ chỉ còn được cỡ 30 -50 phút đọc sách và giở sách ra xem thôi, thế mà lại phải xem một cuốn sách 3 xu thì có phải là phí cái đầu đời không.

Nên ba mẹ, thầy cô hãy tự chân dẫn trẻ đi đến hiệu sách, tự tay lựa sách cho trẻ. Tự cầm, tự giở ra đọc xem hình ảnh thế nào, cách viết, văn phong, từ ngữ, nội dung, có định kiến độc hại nào cài cắm trong đó không… và cuối cùng là đọc xong người lớn có ‘khoái’ và có sẵn sàng đọc cho trẻ vài chục lần trong sự vui vẻ hay không?

Nhà mình đọc sách hằng ngày, đọc như ăn cơm, uống nước, nhưng số lượng sách mà mình lựa mua có thể nói là siêu ít. Kể cả sách cho chính mình và cho con trên kệ đều rất khiêm tốn. Trước khi lựa mua mình đều tự hỏi ‘Nếu 2 tháng nữa con không dùng cuốn này, mình có tự tin gửi tặng cuốn sách này cho những em bé khác hay không? Nếu sau 20 năm nữa mình có cháu thì đây có còn là cuốn sách vẫn nguyên giá trị và mình vẫn tự hào đọc nó cho cháu mình hay không?’ Cực đoan quá! Nhưng đó đúng là thứ mình nghĩ đấy.

Điều này quan trọng lắm. Đừng đặt niềm tin vào các quảng cáo bán sách, chương trình giới thiệu sách, các hộp quà có sách được ship sẵn đến tận cổng… Hãy tận tay, tận tâm tìm tới sách. Hãy tận hưởng sách từ trong ra ngoài bìa, từ trang đầu đến trang cuối, từ cuốn sách và cả những văn hóa bao xung quanh cuốn sách đó. Khi đó sách vở không chỉ còn là ‘sách vở’ nữa mà là cuộc sống, một cuộc sống với đủ đầy ‘ordinary miracles’.

– Chia sẻ của cô Thúy, founder của Embehanhphuc.vn –

Những bài viết khác…

Cái nắm tay

Cái nắm tay

Cùng với tiếng khóc, phản xạ nắm tay là sự đánh dấu giây phút gặp gỡ của trẻ với thế giới – giây phút chào đời. Phản...

Bình thường hóa

Bình thường hóa

Nhân dịp sinh nhật của bà Maria Montessori (31 tháng 8, 1870), Embehanhphuc xin gửi tặng các ba mẹ, nhà giáo dục, giáo...

0 Lời bình