Cái nắm tay

Cùng với tiếng khóc, phản xạ nắm tay là sự đánh dấu giây phút gặp gỡ của trẻ với thế giới – giây phút chào đời. Phản xạ nắm tay, tuy rằng là một phản xạ nguyên thủy và hoàn toàn vô thức, nhưng dường như cái nắm tay đầu đời vô thức này lại là thể hiện của một sự phó thác và tin tưởng tuyệt đối của mỗi con người sơ sinh với thế giới con người. Thế giới có đón nhận em hay không, em chưa biết, nhưng em đón nhận thế giới, em nắm lấy ngón tay của bất kỳ ai đặt vào lòng bàn tay của em. Tin tưởng và thuận lòng với đời sống là bản chất nguyên thủy của con người.

Khi lớn lên, đôi bàn tay luôn thể hiện những sự phong phú của đời sống tâm lý của con người:

Trong đời sống tâm linh/tinh thần, chúng ta khoanh tay lại khiêm nhường và phó thác hoàn toàn cho thượng đế trong những buổi cầu kinh, chúng ta vươn đôi tay lên để tìm kiếm sự cứu rỗi trong lúc tuyệt vọng.

Trong đời sống tình cảm, chúng ta có những cái đan tay ngập ngừng với mối tình đầu, chúng ta giật vội bàn tay trong cơn giận, rồi qua bao nhiêu giận hờn, thương nhớ, chúng ta cùng nhau đứng trước người làm chứng và chìa bàn tay ra để đón nhận chiếc nhẫn cưới từ bàn tay bên kia– như một biểu tượng cho một sự tự nguyện được ràng buộc, được ở trong nhau trọn đời.

Trong đời sống trí tuệ, đôi tay luôn khám phá và mang đến nguyên liệu cho trí tuệ, đồng thời theo chiều ngược lại, đôi tay là công cụ để thực hiện mệnh lệnh của trí tuệ.

Trong đời sống xã hội, những ngón tay mở ra, thả lỏng và hướng ra ngoài rồi nắm bàn tay kia một cách nồng ấm để chào đón, để thể hiện thiện chí và sự hợp tác, cũng những những ngón tay ấy, nhưng khi co bó lại, trở thành nắm đấm của sự đối kháng, hận thù.

Trong mối quan hệ cha mẹ và con cái, chúng ta chạm nhẹ bàn tay vào má, vào tóc để thể hiện sự yêu thương, cưng chiều của người chăm sóc, nhưng cũng bàn tay ấy có thể đét thật mạnh vào mông em bé để thể hiện sự tức giận, áp đặt, kiểm soát của người cầm quyền.

Trong giáo dục, đôi bàn tay lại càng nói lên nhiều điều. Khi quan sát một lớp học, chỉ cần bạn quan sát cách người giáo viên nắm tay của trẻ thì đã có thể đọc được nhiều điều ẩn sâu trong đó. Bàn tay người giáo viên chìa ra trao sự lựa chọn, và một đứa trẻ đã đủ trải nghiệm để tin tưởng người lớn này, cũng sẽ thuận lòng nắm lấy bàn tay to lớn vững chải ấy. Người giáo viên cũng chỉ chìa ra 1 ngón để tương xứng với cái nắm tay của con người nhỏ bé trước mặt cô. Một cái nắm tay tự nguyện là biểu hiện của sự tin tưởng, sự phó thác và đón nhận tất cả những điều tốt đẹp mà cô sẽ mang đến cho con cho dù đó là một hoạt động, một sự nhắc nhở hay một bài học.

Cũng là cái nắm tay, nhưng nếu không dựa trên nền tảng của sự thuận lòng, tự chủ này, nó sẽ trở thành áp đặt. Người giáo viên nắm vội bàn tay của trẻ vì không đủ kiên nhẫn để chờ đợi cho sự tự nguyện được khởi sinh. Giáo viên kéo tay trẻ và lôi trẻ đi trong vô vàn ý định và kỳ vọng của mình mà thiếu đi sự quan tâm đến ý muốn và hứng thú của đứa trẻ. Và với mọi sự dạy dỗ, nếu không khởi phát từ lựa chọn, thuận lòng của người học, đó chỉ là bạo lực dưới danh nghĩa giáo dục. Không cần phải đợi đến khi trẻ vào lớp 1, chính thức mài đũng quần trên ghế nhà trường, trẻ đã học từ ngay những ngày đầu tiên của cuộc đời dưới mái nhà của trẻ, dưới mái trường mầm non. Những cái nắm tay tự nguyện đầu đời này mà trẻ trao cho những người hướng dẫn đầu tiên (dù là cha mẹ, hay thầy cô trong trường mầm non) đều là hình mẫu đầu đời và sẽ trở thành động lực để trẻ thực hiện việc học tập trọn đời. Và chỉ có học tập tự nguyện thì mới là học tập trọn đời bởi vì đó là học tập để khai phóng bản thân, còn mọi sự học tập bắt buộc sẽ luôn chỉ diễn ra trong một phần đời nào đó và với mục đích hạn hẹp nào đó mà thôi.

Hãy chìa bàn tay ra, và để trẻ nắm vào, khi đó bạn đang xoay chuyển từ giáo dục lấy người lớn làm trung tâm sang đặt trẻ làm trung tâm của sự giáo dục ấy.

– Trần Mai Thúy –

Giáo viên Montessori 0-6 được đào tạo bởi IMC & AMI

Tận tay, tận tâm chọn sách cho con

Đây là một trong những đầu sách yêu thích của mọi thành viên nhà Mối Mọt. Có nghĩa là loại sách mà người được đọc cho thì chắc chắn thích và đòi đọc cả mấy chục bận, và người phải đọc mấy chục bận thì cũng hạnh phúc không kém vì ‘phải đọc’ cuốn sách hay thế này. Thế nên chọn sách cho con thì phải chọn cuốn nào thật hay để mình cũng được ‘sướng’ khi đọc cho tụi nó. Không phải ai cũng để tâm đến việc sách nào là hay, sách nào đáng để yêu, vậy mà cứ muốn con trẻ hay đọc, và yêu sách. Mâu thuẫn quá!

Sách cho trẻ nhỏ, không cần nhiều, mà cần chất lượng. Rõ ràng là trẻ nhỏ không cần cả trăm cuốn sách trong nhà làm gì. 10 cuốn mà hay thì còn hơn cả 100 cuốn 3 xu. Không chỉ sách mà cả nhạc, thơ, truyện, trải nghiệm cho trẻ thơ nói chung đều vậy, 10 tác phẩm hay thì giá trị hơn nhiều lần so với cả 100 thứ kém chất lượng. Những thứ tốt đẹp từ 10 cuốn sách hay sẽ ở với trẻ trọn đời, thì cái tai hại 100 cuốn sách dở để lại cho trẻ cũng trọn kiếp. Vì thời gian của con trẻ ngắn ngủi lắm. Đời người được mấy lần đầu đời – có mỗi một lần, mà một lần đầu đời đó thì chỉ kéo dài có vài năm bọ. Mà trong vài năm đó, mỗi ngày tụi nó đã bận rộn với bao nhiêu thứ kiểu như phải nhìn ngó một đàn kiến qua đường, phải khám phá vũng nước mưa, phải đi lượm lá rụng, phải trượt cầu trượt 20 lần, phải đuổi nhau với người bạn hàng xóm, phải giận nhau mười lần và làm lành chục bận… Đó là chưa kể bao nhiêu trách nhiệm thiết yếu khác với sự sống như ăn, ngủ, vệ sinh, tắm rửa… Haizzzzzzzzz bận rộn là vậy nên mỗi ngày tụi nhỏ chỉ còn được cỡ 30 -50 phút đọc sách và giở sách ra xem thôi, thế mà lại phải xem một cuốn sách 3 xu thì có phải là phí cái đầu đời không.

Nên ba mẹ, thầy cô hãy tự chân dẫn trẻ đi đến hiệu sách, tự tay lựa sách cho trẻ. Tự cầm, tự giở ra đọc xem hình ảnh thế nào, cách viết, văn phong, từ ngữ, nội dung, có định kiến độc hại nào cài cắm trong đó không… và cuối cùng là đọc xong người lớn có ‘khoái’ và có sẵn sàng đọc cho trẻ vài chục lần trong sự vui vẻ hay không?

Nhà mình đọc sách hằng ngày, đọc như ăn cơm, uống nước, nhưng số lượng sách mà mình lựa mua có thể nói là siêu ít. Kể cả sách cho chính mình và cho con trên kệ đều rất khiêm tốn. Trước khi lựa mua mình đều tự hỏi ‘Nếu 2 tháng nữa con không dùng cuốn này, mình có tự tin gửi tặng cuốn sách này cho những em bé khác hay không? Nếu sau 20 năm nữa mình có cháu thì đây có còn là cuốn sách vẫn nguyên giá trị và mình vẫn tự hào đọc nó cho cháu mình hay không?’ Cực đoan quá! Nhưng đó đúng là thứ mình nghĩ đấy.

Điều này quan trọng lắm. Đừng đặt niềm tin vào các quảng cáo bán sách, chương trình giới thiệu sách, các hộp quà có sách được ship sẵn đến tận cổng… Hãy tận tay, tận tâm tìm tới sách. Hãy tận hưởng sách từ trong ra ngoài bìa, từ trang đầu đến trang cuối, từ cuốn sách và cả những văn hóa bao xung quanh cuốn sách đó. Khi đó sách vở không chỉ còn là ‘sách vở’ nữa mà là cuộc sống, một cuộc sống với đủ đầy ‘ordinary miracles’.

– Chia sẻ của cô Thúy, founder của Embehanhphuc.vn –

Bình thường hóa

Nhân dịp sinh nhật của bà Maria Montessori (31 tháng 8, 1870), Embehanhphuc xin gửi tặng các ba mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng bản dịch của bài giảng Bình Thường Hóa (1946 lectures) . Và hi vọng chúng ta sẽ luôn nhớ về bà Montessori như là một người tiên phong thực nghiệm giáo dục khoa học và quan sát trẻ đầu đời.

———————

“Bình thường hóa là kết quả quan trọng duy nhất của công việc của nhà giáo chúng ta./Normalization is the single most important result of our work.” – Maria Montessori –

Trước đây trẻ không thể học, và vì trẻ không thể học, mọi người cho rằng trẻ không có năng lực học tập. Bây giờ trẻ đã sẵn sàng với việc học tập. Đây chính là niềm hân hoan của giáo dục, giáo dục tâm trí và những kỹ năng cho đời sống thực tiễn. Sau khi được bình thường hóa, trẻ có thể đón nhận toàn bộ sự giáo dục này. Vì thế hi vọng lớn lao nhất cho giáo dục chính là giúp đỡ những trẻ đầu đời. Và niềm hi vọng này nằm trọn trong đôi bàn tay của chúng ta.

HƯỚNG VỀ TRẺ HAY LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM (trong bối cảnh Tết trung thu)

Có sự khác nhau rất rõ giữa cách tiếp cận hướng về trẻ và cách tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm. Khi hướng về trẻ, người lớn nhận thấy sự tồn tại của trẻ trong môi trường đó và thể hiện sự quan tâm đến trẻ xuất phát từ tình yêu. Dịp trung thu, những người lớn hướng về trẻ sẽ có thể làm hay mua nhiều bánh trái, chuẩn bị một mâm cỗ tràn đầy và mời một dàn múa lân về để biểu diễn cho trẻ xem. Những hoạt động này đều đến từ tình yêu và sự quan tâm của người lớn dành cho trẻ.

Nhưng sẽ là một bước nhảy vọt nếu bạn đi từ cách tiếp cận hướng về trẻ sang lấy trẻ làm trung tâm. Nếu hướng về trẻ, bạn vẫn chỉ ở vị trí của bạn và chỉ hướng mắt nhìn về trẻ, thì để lấy trẻ làm trung tâm bạn phải rời bỏ vị trí của bạn để xê dịch vị trí của bản thân để tiến đến chỗ của trẻ, đứng bên cạnh trẻ và nhìn mọi thứ trong thế giới xung quanh từ tầm nhìn và hệ quy chiếu của trẻ. Khi lấy trẻ làm trung tâm, người lớn này không chỉ nhận thấy sự tồn tại của trẻ mà còn ghi nhận sự phát triển không ngừng nghỉ đang diễn ra trong trẻ và nhìn nhận trẻ như một chủ thể học tập tự thân. Vì thế để lấy trẻ làm trung tâm bạn vừa cần yêu trẻ vừa cần hiểu trẻ. Vào dịp trung thu, những người lớn lấy trẻ làm trung tâm không đặt trẻ ở một vị thế bị động của một khán giả ngắm nhìn sàn diễn của người lớn cho mình, mà đặt trẻ ở tâm điểm, trung tâm của các hoạt động. Những người lớn này mang đến cho trẻ cơ hội để được trải nghiệm các hoạt động của Trung Thu như là một chủ thể, một người trải nghiệm chủ động. Trẻ được động tay động chân vào mọi khâu mà trẻ có khả năng, vì thế mọi thứ không chỉ được ‘biểu diễn’ cho trẻ mà được trẻ ‘thực hiện’ và qua đó khắc ghi vào tâm trí.

Chỉ khi đó Tết trung thu mới thực là Tết của Trẻ. Để tìm hiểu cách tổ chức Tết trung thu theo hướng tiếp cận Lấy trẻ làm trung tâm, hãy tham gia workshop Để trung thu là Tết thiếu nhi. Workshop được tổ chức bởi Embehanhphuc.vn và do chú Trần Tấn Sâm trực tiếp thiết kế chương trình và hướng dẫn.

Đăng ký tham gia chương trình: https://forms.gle/xGsp98bpdqf1Aiao6

Thông tin về workshop: https://www.facebook.com/…/a.1742509275…/573887060889122

SỰ GẮN KẾT & MỐI QUAN HỆ ƯA THÍCH

(chuỗi bài: Sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ)

Khi một em bé bước vào thế giới, những sự chăm sóc và kết nối mà người chăm sóc chính (thường là mẹ) dành cho em là những trải nghiệm đầu tiên mà em bé có với một con người khác. Mối quan hệ của mẹ con là một mối quan hệ đầu tiên mà con người này có được, đồng thời thông thường đó cũng là mối quan hệ dài lâu nhất của cuộc đời. Nhưng tầm quan trọng của sự gắn kết mẹ con không nằm ở phần lượng của nó (là sự dài lâu), mà nằm ở phần chất của mối quan hệ.

Mối quan hệ đầu đời này của trẻ sẽ trở thành mối quan hệ ưa thích của trẻ và là tác động sâu sắc đến những mối quan hệ sau này của trẻ. Mẹ và mối quan hệ với mẹ là hình mẫu đại diện cho cuộc đời. Dựa trên mối quan hệ ưa thích này, tất cả các mối quan hệ trong cuộc đời của trẻ được xây dựng nên và chịu tác động của nó. Liệu trong mối quan hệ này các nhu cầu của trẻ có được đáp ứng đúng mức, đúng lúc và theo đúng cách? Liệu đó có phải là mối quan hệ tôn trọng, đáng tin cậy? Liệu người mẹ có phản hồi thái quá hay rơi vào trạng thái không phản hồi? Liệu qua những cơ hội tương tác, trẻ trải nghiệm sự hiện diện của mẹ hay sự bỏ mặc? Liệu mối quan hệ giữa 2 mẹ con có phải là một gắn kết tự nhiên tạo điều kiện cho phân tách lành mạnh?

Một nghiên cứu uy tín kéo dài đến 80 năm (và còn tiếp diễn) của Đại Học Harvard (link nguồn phía cuối bài) cho thấy rằng chất lượng của các mối quan hệ chính là thứ quyết định hạnh phúc của cuộc đời con người. Chính vì thế, chuẩn bị cho con trẻ một hình mẫu mối quan hệ lành mạnh, đồng đẳng, tôn trọng đó chính là chuẩn bị cho cuộc sống và hạnh phúc của trẻ suốt cuộc đời. Đó chính là giáo dục đầu đời. Mối quan hệ ưa thích này được xây dựng chủ yếu trong 8 tuần đầu đời cộng sinh giữa hai mẹ con, và được bồi đắp thêm bởi các trải nghiệm trong năm đầu tiên của trẻ. Hãy đầu tư xứng đáng cho một năm đầu tiên và duy nhất này của con trẻ bằng cách đầu tư chất lượng cho mối quan hệ độc nhất này. Bạn có rất nhiều năm trong cuộc đời, trẻ chỉ có 1 năm đầu tiên duy nhất!

Trần Mai Thúy

Giáo viên Montessori 3-6 được đào tạo bởi IMC

Giáo viên Montessori 0-3 được đào tạo bởi AMI

———————

Chuỗi bài Sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ, sử dụng các video ngắn của bộ phim The beginning of life, để minh họa cho nội dung cần truyền đạt. Bạn có thể xem đầy đủ film qua Netflix.

Phụ đề tiếng Việt được thực hiện bởi chị @linh huỳnh, Giáo viên và người sáng lập Bekind Montessori Nhatrang. Cảm ơn chị Linh rất nhiều.

BẢO VỆ DINH DƯỠNG TÂM LÝ KHI CHO TRẺ BÚ

(chuỗi bài: Sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ)

Có 2 dạng dưỡng chất quan trọng mà trẻ nhận được từ bú mẹ. Dưỡng chất đầu tiên là ‘sữa’ – tức là thức ăn cho thể chất. Dưỡng chất thứ 2 là ‘mật ngọt’ – tức là thức ăn cho tâm lý tinh thần. Một số bà mẹ chưa hiểu rõ hoặc không biết đến thứ dưỡng chất thứ 2 này, nên thường ‘Chỉ cho con sữa, không cho con mật ngọt’.

Vậy dưỡng chất tâm lý trẻ nhận được khi bú mẹ là gì?

– Đó là sự trấn an, yên tâm, và gắn kết ở một nơi mới mẻ mà trẻ vừa được sinh ra. Vòng tay mẹ trở thành bầu chứa hay tử cung và bầu sữa mẹ trở thành nhau thai và dây rốn bên ngoài. Trẻ lại được nghe nhịp tim, tiếng nói và ngửi mùi da thịt của mẹ – những sự trấn an quan trọng cho bé trong những tháng đầu đời.

– Đó là Trải nghiệm quay trở về ‘nhất thể – hòa làm một thể thống nhất’ với mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày . Nhất thể này là thiết yếu để đứa trẻ dần dần phân tách khỏi mẹ theo một tiến trình lành mạnh cho tâm lý của trẻ.

– Đó là trải nghiệm tình yêu của mẹ theo một cách trực tiếp, giàu cảm xúc, giàu trải nghiệm hơn.

– Đó là việc thỏa mãn bụng đói trong sự hiện diện của người mình yêu thương.

– Đó là việc nhận sự chăm sóc và nhận ra sự phụ thuộc giữa người với người vừa thiết yếu, vừa hạnh phúc biết bao.

– Đó là niềm vui trong những trải nghiệm xã hội giữa người và người đầu tiên.

– Đó là sự độc lập, dân chủ từ lúc sinh ra khi mà trẻ được mẹ tạo điều kiện cho ngậm và nhả vú khi trẻ muốn, lúc trẻ đủ.

Em Bé Hạnh Phúc xin chia sẻ 1 số hướng dẫn để trẻ nhận được tối đa hàm lượng dưỡng chất tâm lý này với những hướng dẫn như sau:

– Chúng ta nên ngồi ôm bé trong vòng tay khi cho trẻ sơ sinh bú.

– Mẹ hướng sự chú ý tới bé, kết nối và hiện diện hoàn toàn với bé.

– Tạo thuận lợi cho bé tạo khớp ngập đúng và chốt ti nhưng để trẻ có quyền hướng miệng để ngậm vào ti mẹ và có quyền rời ti khi trẻ thấy đủ.

– Nói chuyện và phản hồi trẻ đúng mức.

TUYỆT ĐỐI KHÔNG:

– KHÔNG rút ti ra khỏi miệng bé khi bé đang bú.

– KHÔNG ‘cả vú lấp miệng em’, tức dùng ti mẹ để làm trẻ ngừng khóc

– KHÔNG dùng ti mẹ và bú mẹ để làm trẻ phân tâm khỏi nhu cầu khác.

– KHÔNG cho bú lặt vặt và khiến trẻ phụ thuộc vào ti mẹ vì những mục đích ngoài mục đích thức ăn.

– KHÔNG dùng điện thoại, xem tivi, đọc sách khi cho bé bú.

NẾU TRẺ BÚ BÌNH:

– KHÔNG để trẻ 1 mình với cái bình sữa.

– Vẫn cho trẻ bú bình khi trẻ đang được ôm ấp trong vòng tay của mẹ.

– Có thể dùng 1 cái khăn để phủ bên ngoài bình sữa, để bình sữa không phản chiếu ánh sáng và thu hút ánh nhìn của trẻ. Trẻ vẫn nên kết nối và hạnh phúc với sự hiện diện của con người chứ không phải với một đồ vật

Nếu vì lý do nào đó bạn không có sữa mẹ cho bé, thì bạn vẫn có thể mang đến cho bé hàm lượng ‘mật ngọt’ tối đa. Bởi dinh dưỡng tâm lý thì không bị phụ thuộc và giới hạn bởi dinh dưỡng thể chất. Hãy bảo vệ nguồn dinh dưỡng này cho con yêu của bạn nhé!

Trần Mai Thúy

Giáo viên Montessori 3-6 được đào tạo bởi IMC

Giáo viên Montessori 0-3 được đào tạo bởi AMI

———————

Chuỗi bài Sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ, sử dụng các video ngắn của bộ phim The beginning of life, để minh họa cho nội dung cần truyền đạt. Bạn có thể xem đầy đủ film qua Netflix.

Phụ đề tiếng Việt được thực hiện bởi chị @linh huỳnh, Giáo viên và người sáng lập Bekind Montessori Nhatrang. Cảm ơn chị Linh rất nhiều.