[Radio Hiểu con – Yêu con] Số 22: Cai sữa sớm hay muộn – Từ góc nhìn toàn diện với tâm lý của trẻ

Bài viết của Embehanhphuc

29/03/2022

Xin chào các bạn, đây là Radio Hiểu con – Yêu con của chuyên trang Embehanhphuc.vn – một tổ chức có
sứ mệnh thúc đẩy nhận thức của cha mẹ, nhà giáo dục, giáo dưỡng và công chúng về trẻ thơ và năng lực
tiềm tàng của trẻ trong 6 năm đầu đời. Radio Hiểu con – Yêu con là một kênh Radio trả lời các câu hỏi
thực tế phát sinh trong những tình huống khó khăn giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thông qua
việc phân tích tình huống và đi theo kim chỉ nam ‘dõi theo trẻ’ chúng tôi giúp phụ huynh thấu hiểu tâm
lý sau các hành vi, hoạt động của con trẻ và từ đó yêu con theo cách tôn trọng và nhân văn hơn. Để mái
nhà và cha mẹ sẽ luôn là tổ ấm của con trong suốt cuộc đời.
Embehanhphuc nhận được một câu hỏi từ chị Khánh Hương từ tp Hồ Chí Minh: ‘Xin chào. Mình có 1 bé
2 tuổi. Mình cho bé bú mẹ trực tiếp từ lúc sinh bé đến giờ. Tuy nhiên dạo gần đây, mình cảm thấy dường
như bé không còn bú vì nhu cầu ăn nữa mà có vẻ như bé đòi bú vì bé muốn mẹ ôm, ẵm. Đôi khi bé cũng
mè nheo đòi bú rồi lại chỉ bú một chút lại thôi. Đến bữa ăn thì bé ăn rất ít, rất kén ăn. Mình định cho bé
bú càng lâu càng tốt và để bé tự cai sữa. Nhưng gần đây bé có các biểu hiện như vậy khiến mình cũng
rất đắn đo không biết đó có phải là lựa chọn tốt nhất hay không.’

Chào bạn, xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây là một câu hỏi chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm
của các ba mẹ đang có trẻ trong nhóm tuổi 0-3, độ tuổi mà trẻ còn bị phụ thuộc rất nhiều vào người lớn
trong các nhu cầu thể chất như ăn, ngủ, tắm rửa, vệ sinh. Để trả lời được câu hỏi này trước hết chúng ta
sẽ điểm qua một số lời khuyên, khuyến cáo từ các nguồn khác nhau về thời điểm phù hợp để cai sữa cho
bé. Thông tin phổ biến nhất mà chúng ta biết đến là thông tin đến từ WHO. Tổ chức y tế thế giới khuyên
các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và sau đó tiếp tục cho con bú cùng với bổ sung
thực phẩm thích hợp cho đến 2 tuổi. Còn theo phong tục ngày xưa của ông bà ta thì độ tuổi cai sữa có
thể sớm hơn thậm chí trước 1 tuổi, và lý do các ông bà đưa ra chủ yếu là vì sữa mẹ đã hết chất. Gần đây
với sự có mặt của nhiều nguồn thông tin đầy đủ hơn, có cơ sở khoa học về sữa mẹ và cho con bú, chúng
ta sẽ thấy nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu về sữa mẹ sẽ khuyên người mẹ cho con bú càng lâu càng tốt
để bé hưởng được trọn vẹn các lợi ích cho thể chất của bé từ nguồn thức ăn hoàn hảo này. Những
nguồn thông tin này cũng thường khuyến khích mẹ để bé bú đến bao lâu bé muốn và để bé tự quyết
định thời điểm cai sữa của mình. Và trong những trường hợp này sẽ có những bé bú mẹ đến 4, 5 tuổi
thậm chí 7 tuổi rồi mới tự cai sữa.
Vậy đâu mới là thời điểm phù hợp nhất để chúng ta cai sữa cho trẻ? 1 tuổi, 2 tuổi hay 4, 5 tuổi?

Để có thể đưa ra được quyết định, chúng ta cần tìm một góc nhìn toàn diện và hữu cơ cho vấn đề. Bởi vì
mặc dù việc bú mẹ và cai sữa có vẻ là một chủ đề liên quan đến thể chất, thể lý của trẻ, nhưng chúng ta
đang làm việc với trẻ của con người, mà con người là loài động vật có sự phát triển tâm lý phức tạp
nhất, sự phát triển của con người được đặc trưng bởi sự phát triển của phần tâm lý. Chính vì thế khi
chúng ta đưa ra bất kỳ một quyết định gì với trẻ, chúng ta không chỉ nhìn nhận từ góc nhìn với lợi ích
cho thể chất, mà chúng ta còn cân nhắc đến lợi ích cho tâm lý của trẻ. Chúng tôi gọi đây là cách tiếp cận
toàn diện với sự phát triển của trẻ trong đó nhìn nhận mọi khía cạnh của sự phát triển này từ thể chất,
đến cảm xúc, sự độc lập, đến sự thích nghi của trẻ với đời sống.
Trong giai đoạn 0-3, sự phát triển của trẻ được chia thành các phân kỳ nhỏ hơn. Với mỗi phân kỳ nhỏ,
nhu cầu phát triển của trẻ sẽ có những đặc trưng khác biệt chính vì thế sự hỗ trợ của cha mẹ/thầy cô
cũng cần có những trọng tâm khác nhau tương ứng. Trẻ từ 0-3 tháng được gọi là trẻ sơ sinh và trong giai
đoạn vài tháng đầu đời ngắn ngủi này, trọng tâm của sự hỗ trợ của người lớn chính là hỗ trợ để trẻ gắn
kết với mẹ và nhờ mối gắn kết đồng điệu đầu đời này chúng ta giúp trẻ chuyển tiếp sang môi trường
mới – tức là mái ấm, gia đình của trẻ một cách mịn màng.
Trẻ từ 3 tháng -1 tuổi rưỡi được gọi là trẻ nhũ nhi. Đặc trưng của giai đoạn này là trẻ đang được mẹ cho
bú, đó là lý do của ta gọi trẻ là Nhũ nhi. Trong giai đoạn trẻ nhũ nhi, biểu hiện ra về thể chất là trẻ còn
cần mẹ cho bú, còn phụ thuộc vào nguồn sữa mẹ. Đồng thời trẻ còn chưa bước đi độc lập, và vì thế trẻ
còn phụ thuộc nhiều vào người mẹ nhưng song song với đó trẻ đang trong tiến trình phân tách khỏi mẹ
để trở thành một con người – một cái tôi độc lập. Trong suốt giai đoạn này trẻ dần đạt được nhiều
thành tựu trong sự phát triển và những mốc phát triển này tạo điều kiện để trẻ dần dần tiến tới sự độc
lập ra khỏi mẹ. Đến cuối phân kỳ này nếu được hỗ trợ tốt từ môi trường, trẻ sẽ bắt đầu bước đi, trẻ bắt
đầu nói và trẻ đã hoàn thành giai đoạn ăn dặm – tập ăn các món ăn của gia đình và nhờ đó trẻ đạt được
sự độc lập đáng kể ra khỏi mẹ.
Những thành tựu này là nền tảng cho trẻ bước sang giai đoạn 1,5 – 3 tuổi giai đoạn thường được gọi là
ấu nhi – giai đoạn mà bé nhà bạn đang ở trong đó. Với phân kỳ ấu nhi này, trẻ hoàn toàn độc lập về thể
chất khỏi người mẹ, chính vì thế trẻ trải nghiệm trẻ là một cá thể riêng biệt, có ý kiến, có sở thích, có
quyền quyết định cơ bản với cuộc sống của mình. Trẻ trải qua một cuộc khủng hoảng phát triển rất quan
trọng đó là khủng hoảng tự khẳng định. Chính vì đặc trưng của giai đoạn Ấu nhi này là sự ra đời của
nhân cách của trẻ, cái tôi riêng biệt của trẻ thế nên trọng tâm của sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô không
nên tập trung vào những chăm sóc thể chất như ngày trước nữa mà cần được chuyển trọng tâm sang
việc hỗ trợ cho sự độc lập thể chất hoàn toàn khỏi người mẹ để tạo thuận lợi cho sự độc lập lành mạnh

trong tâm lý của trẻ. Nếu trẻ trong giai đoạn này dành được độc lập cơ bản trong ăn uống, trong ngủ
nghỉ, trong việc đi vệ sinh … chúng ta sẽ thấy đi kèm theo đó là trạng thái tâm lý tích cực, lành mạnh
biểu hiện ra ngoài.
Từ cách tiếp cận toàn diện này, embehanhphuc xin gợi ý thời điểm lý tưởng mà chúng ta nên cai sữa cho
bé là nằm trong khoảng thời gian từ 1 – 1,5 tuổi tùy tình hình mỗi bé. Tức là việc cai sữa sẽ được thực
hiện vào cuối giai đoạn Nhũ nhi hoặc đầu giai đoạn Ấu nhi. Thời điểm cụ thể cho từng bé cần được
người mẹ đưa ra quyết định dựa trên sức khỏe và sự sẵn sàng tâm lý của mỗi bé. Để chuẩn bị cho mốc
cai sữa, trẻ cần có một số sự chuẩn bị trong đó sự chuẩn bị quan trọng nhất đó là ăn dặm.
Ăn dặm cần được hiểu đúng đó là việc giới thiệu cho trẻ cách ăn các thức ăn bên ngoài hiện diện trong
văn hóa của trẻ và giới thiệu đến trẻ các cách ăn uống của gia đình. Trẻ cần được hỗ trợ ăn dặm đúng
cách thì trẻ sẽ chuyển tiếp sang cai sữa một cách mịn màng, thuận lợi. Ăn dặm đúng cách có nghĩa là
việc ăn dặm cần được thực hiện để hỗ trợ sự thích nghi của trẻ với môi trường mà trẻ đang sống. Dặm
có nghĩa là bước đệm, ăn dặm có nghĩa là bước đệm cho việc ăn độc lập hoàn toàn các đồ ăn trong gia
đình. Việc ăn dặm không phải chỉ cung cấp thức ăn cho thể chất của trẻ mà còn cung cấp cả dưỡng chất
cho tâm lý của trẻ. Chúng ta không nên nấu cho bé những món ăn theo khẩu vị xa lạ như là các món ăn
châu Âu, Hàn Quốc, hay Nga, Mỹ mà cần giới thiệu đến trẻ những khẩu vị thân thuộc của gia đình và của
văn hóa Việt Nam. Những mùi vị đầu đời và những cảm xúc đi kèm với việc ăn dặm sẽ quyết định khẩu vị
ưa thích của trẻ và những thái độ trẻ có với việc ăn uống. Việc nấu cho trẻ ăn các món mà gia đình
thường ăn cũng là cách giúp trẻ hội nhập vào các sinh hoạt, hoạt động quan trọng trong gia đình. Chúng
ta có cả 1 cuộc đời để ăn thử mọi thức ăn trên thế giới, nhưng chúng ta chỉ có vài năm đầu đời để xây
dựng một kết nối tích cực với việc ăn uống và với thức ăn. Nếu việc học ăn của bé được hỗ trợ đúng đắn,
trẻ có thái độ tích cực với việc ăn uống và sẵn sàng để tham gia vào các bữa ăn chính của gia đình đều
đặn vào lúc 1-1,5 tuổi. Trẻ cũng có thể ăn được hầu hết các món mà gia đình thường ăn. Đương nhiên
thức ăn của trẻ thì nên được cắt nhỏ, nấu mềm và ít gia vị hơn một chút so với thức ăn người lớn. Đây là
dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng chuyển hẳn sang ăn thức ăn bên ngoài, và hoàn toàn không còn cần
bú mẹ nữa. Đó là lúc bạn nên cai sữa cho bé. Nếu em bé có tình trạng sức khỏe không tốt ví dụ như có bị
dị ứng bẩm sinh, hay phải điều trị y tế dài, hoặc sinh non, hoặc thiếu cân, suy dinh dưỡng, hoặc một số
căn bệnh khác thì thời gian cai sữa nên được lùi lại trễ hơn, người mẹ nên kéo dài việc cho trẻ bú thêm
một thời gian nữa.
Vậy các bước của tiến trình cai sữa nên diễn ra như thế nào. Thực ra chúng ta nên khởi động tiến trình
cai sữa từ ngay khi bé bắt đầu ăn dặm. Quy tắc ở đây là khi bé đã ăn được 1 bữa dặm trọn vẹn trong

một ngày thì bữa sữa đó sẽ được cắt. Ví dụ sau 1 tháng kể từ thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm, trẻ đã có
thể ăn trọn 1 bữa trưa với lượng thức ăn vừa phải thì lượt bú mẹ vào buổi trưa nên được cắt. Trước đó
trẻ mới làm quen với thức ăn và chỉ ăn được vài muỗng thì chúng ta có thể vẫn dặm thêm sữa mẹ,
nhưng khi trẻ đã ăn được bữa đó rồi và có thói quen ăn bữa đó rồi thì chúng ta không nên duy trì việc
dặm thêm sữa nữa. Khi người mẹ cắt dần các cữ bú theo tiến trình của bé thì tự nhiên cơ thể người mẹ
sẽ được gửi tín hiệu và cơ chế tiết sữa sẽ tự động điều chỉnh giảm lượng sữa để tương xứng với nhu cầu
mới của trẻ. Cứ như vậy sau vài tháng trẻ bắt đầu ăn bữa dặm thứ 2 (thường là bữa tối), khi đó người
mẹ sẽ cắt cữ bú tối. Và đến tầm 1 tuổi thì các cữ bú ban ngày của bé sẽ được cắt hết, chỉ còn cữ bú cuối
cùng trước giờ ngủ. Theo cách này lượng sữa sẽ giảm từ từ và tương xứng với nhu cầu sữa đang giảm
dần của em bé. Người mẹ khi cắt cữ bú cuối cùng sẽ không bị căng tức ngực, không bị tắc sữa, sốt hay
các tác động tâm lý bởi vì tiến trình cai sữa này kéo dài từ từ trong mấy tháng liền song song với quá
trình em bé tập ăn thức ăn ngoài. Vào thời điểm 1-1,5 tuổi này, bé đã ăn được 3 bữa ăn chính và một vài
bữa ăn nhẹ, bé đã tham gia vào bàn ăn gia đình và tận hưởng trải nghiệm hạnh phúc này của việc thích
nghi sâu hơn với đời sống. Về mặt tâm lý cũng như thể chất, bé đã sẵn sàng để được mẹ cai sữa hoàn
toàn.
Một số phụ huynh sẽ đặt câu hỏi là vậy nếu để trẻ tự cai sữa thì như thế nào? Xin chia sẻ góc nhìn của
chúng tôi đi theo kim chỉ nam Dõi theo trẻ và Tiếp cận toàn diện của phương pháp Montessori như sau.
Sữa mẹ mặc dù là thức ăn hoàn hảo mang đến cho trẻ các dưỡng chất và kháng thể mà không nguồn
thức ăn nào có thể sánh bằng trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Tuy nhiên một thứ tốt vào một thời điểm
không có nghĩa là sẽ tốt mãi mãi đặc biệt là trong địa hạt của sự phát triển tâm lý liên tục và phức tạp
của con người. Lúc mới sinh ra, em bé sơ sinh cần vòng tay của mẹ khi cho bú không chỉ để đón nhận
thức ăn cho thể lý mà còn là đón nhận thức ăn tâm lý cho cảm quan, cho cảm xúc và cho gắn kết đầu
đời. Vòng tay của mẹ thời điểm đó quan trọng như tử cung và bầu ngực của mẹ quan trọng là dây rốn
trong giai đoạn phôi thai thể chất của em bé. Tầm quan trọng đó khiến cho việc cho con bú trực tiếp là
không gì có thể thay thế được. Nhưng vào thời điểm sau 1,5 tuổi khi em bé đã đạt được các dấu mốc
quan trọng của sự phát triển như là biết đi, biết nói, biết ăn và sẵn sàng cho sự phân tách cuối cùng để
thành 1 con người, 1 cái tôi, 1 nhân cách độc lập thì khi đó vòng tay và bầu vú của mẹ có thể lại là
chướng ngại vật cho sự phân tách này. Trẻ lúc này cần nhiều hơn những trải nghiệm để có 1 cái tôi giàu
mạnh. Và điều đó chỉ đến khi người mẹ sẵn sàng để trẻ rời vòng tay của mình và bước vào thế giới xung
quanh – thế giới không có mẹ.
Khi đã đến thời điểm mà cái tôi của trẻ đã sẵn sàng tách ra khỏi mẹ nhưng người mẹ không tiếp cận một

cách nhạy cảm và không hỗ trợ tích cực, thì em bé này có thể sẽ không có được sự tự tin để đi ra thế
giới xung quanh và tận hưởng những lợi ích, những mối quan hệ mới mẻ ở thế giới đó. Trẻ có thể có xu
hướng e dè, ngần ngại, thu rút vì không yên tâm, không tin tưởng môi trường mới. Trẻ còn có thể có các
dấu hiệu phụ thuộc cảm xúc vào người mẹ bởi vì mọi sự phụ thuộc về thể chất thường sẽ dẫn đến phụ
thuộc về mặt tâm lý. Và thay vì hào hứng khám phá môi trường, bé có thể dành rất nhiều thời gian trong
ngày để mơ tưởng về bầu vú mẹ. Đúng là trẻ có thể tự cai sữa nhưng việc này thường đến rất muộn ở
độ tuổi lên 4, lên 5 hoặc thậm chí lên 6, 7. Đó là độ tuổi mà trẻ chủ động và rất tích cực trong các mối
quan hệ xã hội đồng lứa. Bạn hãy nghĩ đến các tác động của môi trường xã hội xung quanh trẻ với việc
trẻ đã lớn mà vẫn còn bú mẹ. Liệu trẻ có thích các trải nghiệm đó hay không? Liệu các tác động từ môi
trường xã hội xung quanh đó có để lại các dấu vết lâu dài trong tâm lý của trẻ. Thế nên chúng ta cần cân
nhắc đến cả những tác động của việc cho trẻ bú kéo dài đối với tâm lý của trẻ chứ không chỉ cân nhắc
mỗi lợi ích đối với thể lý.
Từ quan sát của bạn, bạn cũng có thể thấy được những biểu hiện này của việc em bé bị phụ thuộc vào
vú mẹ để được trấn an. Bạn cũng có thể thấy là em bé không thực sự đói và cần vú mẹ để thỏa mãn cơn
đói. Việc trấn an bằng bú mút trong những tháng đầu đời là rất tuyệt vời và đã được tự nhiên quy định
trong gen của loài người. Nhưng khi một con người lớn lên, con người này cần học cách trấn an bằng
những phương tiện, cách thức trưởng thành tương xứng với sự phát triển của bé. Con người này cũng
cần được tạo điều kiện để tận hưởng những niềm hạnh phúc đến từ nhiều hoạt động đa dạng khác
trong môi trường như là các hoạt động khám phá, học tập, các trải nghiệm với ông bà, anh chị, bạn bè
chứ không chỉ là với mẹ và loanh quanh bên bầu vú mẹ. Bạn cũng có thể sẽ nhìn thấy liên hệ trực tiếp
của việc bú vặt và việc bé ăn rất ít và kén ăn. Chúng tôi khuyên bạn hãy khởi động tiến trình cai sữa và
chỉ trong một thời gian ngắn bạn có thể sẽ nhìn thấy các biểu hiện này của bé biến mất. Chúng tôi tin
chắc rằng đó là thứ dưỡng chất mà bé cần trong thời điểm quan trọng để hình thành một nhân cách, cái
tôi độc lập này của em bé.
Vậy với một em bé 2 tuổi thì nên chuẩn bị tinh thần cho bé cho việc cai sữa như thế nào? Hãy đón nghe
radio tiếp theo về chủ đề ‘Chiêu cai sữa đơn giản nhất cho mẹ và bé’ nhé.
Em bé hạnh phúc xin kết thúc Radio số này tại đây. Nếu bạn có những bối rối và thắc mắc với con trẻ
trong gia đình, hãy email chia sẻ với chúng tôi qua địa chỉ: embehanhphucvn@gmail.com .Các bạn cũng
có thể truy cập vào website embehanhphuc.vn để tìm kiếm các bài viết đi theo triết lý ‘Dõi theo trẻ’, để
tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thơ trong giai đoạn xây dựng nền tảng nhân cách trong 6 năm đầu đời.
Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn vào radio tiếp theo.

Những bài viết khác…

0 Lời bình